Tết ấm nồng tình làng nghĩa xóm

0
559

Xuân sang, khắp phố phường chuyển mình thay áo mới, các cửa hàng, cửa hiệu, nhà nhà đều trang hoàng lại, tươm tất, rực rỡ và lộng lẫy hơn để đón Tết. Sau một năm vất vả, đây là thời điểm mà mỗi người tự cho phép mình được nghỉ ngơi, thư giãn tinh thần, tận hưởng thú vui đoàn tụ bên gia đình. Và mỗi độ xuân về, kỷ niệm Tết xưa lại lắng đọng trong những câu chuyện đã trở thành ký ức mỗi người.

Ngày Tết, người Lô Lô khi gặp nhau đều gửi lời chúc phúc cho nhau bằng những làn điệu dân ca mượt mà, sâu lắng.
Càng gần cuối năm, cảm nhận và mong ngóng của mọi người về Tết lại càng rõ nét hơn. Tết hiện lên trong ký ức của mọi người qua không khí sum vầy cùng gia đình, cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng và bếp lửa hồng, là khoảnh khắc phấn khích khi cùng xem pháo hoa, là giây phút thiêng liêng bên người thân trong thời khắc giao thừa…

Đối với mỗi người, Tết còn được nhắc đến như một kỷ niệm thời thơ ấu, trẻ em vui nhất mỗi lúc Tết về, được mặc áo quần mới, được nhận phong bao lì xì, được ăn những món bánh ngon mà trong năm không có dịp. Vậy mới nói, cuộc đời đẹp nhất tuổi thơ, và tuổi thơ vui nhất mỗi lúc Tết về. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà Tết được xem là thời điểm đẹp nhất trong năm, là “món quà” tuyệt vời mà ai cũng đón đợi. Chị Nông Thu Trang, quê huyện Thạch An, đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, xúc động: Đi học và làm việc xa nhà nên Tết là thời điểm duy nhất trong năm tôi được về quê, đoàn tụ với gia đình. Dù thế, công việc bận rộn nên 28, 29 mới về đến nhà; mồng 4, mồng 5 đã phải trở lại Hà Nội chuẩn bị bắt đầu làm việc. Lúc này, tôi lại càng nhớ và trân trọng những ngày Tết xưa có dư dả thời gian, cùng người thân chuẩn bị đón Tết, mua cành đào, hoa tươi để trang hoàng nhà cửa, rồi vào bếp tự tay nấu những món ăn truyền thống mà cả nhà đều thích…

Tết xưa trong tiềm thức của mọi người rất mộc mạc, đơn sơ nhưng gần gũi và ấm cúng. Trẻ em hay người lớn đều rất háo hức mỗi khi Tết đến, xuân về. Những ngày giáp Tết, tầm 27 – 28 âm thì nhà nhà, người người đã tươm tất mọi việc, rộn ràng rủ nhau đi phiên chợ ngày Tết. Thanh niên thì kiếm cây tre, cây nứa cao, thẳng tắp, có ngọn nhỏ chặt về dựng cây nêu treo cờ trước nhà để mừng ngày Tết. Thời đó, nếu nhà nào chưa dựng cây nêu là chưa có không khí Tết. Tối 29 Tết, bà con trong xóm, hay trong một gia đình sẽ góp gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh, lá dong, cùng nhau ngồi gói bánh và trực nấu bánh chưng. Khi bánh chín, lại cùng nhau vớt bánh và phân chia về các gia đình. Đến sáng 30 Tết, nhà nào cũng có vài cân thịt lợn, bánh chưng xanh treo trong nhà.

Theo bà Nông Thị Anh, phường Hợp Giang (Thành phố), ngày Tết cổ truyền là dịp mọi người sum họp bên nhau, cùng nhau ăn bữa cơm ấm cúng đón Tết. Do đó, mọi người thường sắm sửa đồ đạc tươm tất, bữa ăn trong dịp Tết cũng được mọi gia đình chú trọng sao cho ngon, đẹp mắt, mang ý nghĩa sung túc cho cả năm. Vui nhất là khoảng chiều 30 Tết, các gia đình tổ chức một bữa tất niên thể hiện sự đoàn kết, mong cho năm sau làm ăn thuận lợi, no ấm hơn. Đến thời khắc giao thừa, mọi người thắp hương khấn bái tổ tiên, rồi tập trung ở nhà trưởng họ hoặc người cao tuổi trong xóm chúc Tết, rồi lần lượt đến từng nhà, uống với nhau chén rượu, cái bánh, cái kẹo chào đón năm mới.

Tết mang đến cho mọi người phút giây thư giãn thoải mái, được xúng xính quần áo mới du xuân, đi chùa, đi chơi, đi chúc Tết ông bà và người thân. Tết xưa trong ký ức mỗi người mộc mạc, đơn sơ, thân thương và gần gũi nghĩa tình, ấm nồng tình làng nghĩa xóm. Ông Hoàng Đức Hiền, phường Hợp Giang (Thành phố) năm nay đã ngoài 80 tuổi, mỗi dịp xuân về, Tết đến, lại rưng rưng nhớ về năm tháng xưa. Câu chuyện với ông bắt đầu một cách tự nhiên, nhẹ nhàng khi ông đưa chúng tôi trở về với mảnh đất nuôi dưỡng tâm hồn ông – Bản Thuộc, xã Đồng Loan (Hạ Lang). Theo lời kể của ông thì Đồng Loan, cùng với các xã Lý Quốc, Minh Long (Hạ Lang) là vùng đất giàu bản sắc truyền thống, nổi tiếng với các làn điệu dân ca dân tộc, có phường bát âm, các đội xướng ca. Mọi hoạt động sinh hoạt của người dân như lễ hội, dạm ngõ, cưới xin, mừng thọ, lao động sản xuất…, luôn gắn với các câu hát lượn, sli, phong slư. Bà nội của ông là một người hát lượn nổi tiếng, thường xuyên được mời đi hát trong các lễ hội. Bố của ông cũng có năng khiếu về ca hát, giỏi chữ Nôm, là người am hiểu sâu sắc về văn hóa truyền thống của dân tộc. Vì lẽ đó, thuở còn cắt cỏ chăn trâu, ông đã thuộc lòng những bài đồng dao, lượn hát, những làn điệu then tính. Nhớ lại thuở ấu thơ theo các anh chị đi hát lượn, ông cười vui vẻ: Những ngày Tết, hội xuân, cầu mùa, người ta luôn cất lên những bản vũ khúc dân ca, ca ngợi quê hương đất nước, cầu mong mùa màng bội thu, nhân dân no ấm. Hay những đêm trăng đầu làng, tiếng lượn hát giao duyên ngọt ngào vang vọng trên những ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày, thanh niên nam nữ hát lượn đối đáp với nhau.

Ngày nay cuộc sống no đủ hơn, ngày nào cũng mâm cao cỗ đầy nên sự háo hức ngày Tết để được ăn ngon, mặc đẹp dường như không còn nữa. Nhiều nơi, các gia đình thay vì góp gạo nếp, góp thịt làm bánh chưng, mổ lợn chia nhau hay tổ chức ăn tất niên chung cũng không còn mà thay vào đó là mua bánh chưng, thịt lợn ở chợ hay siêu thị về sử dụng trong ngày Tết. Tuy vậy, ở Cao Bằng, tình làng nghĩa xóm, phong tục cổ truyền vẫn được xây đắp gìn giữ, hiện hữu trong tâm hồn và cuộc sống mọi người. Nhiều gia đình vẫn giữ thói quen tự tay chọn gạo nếp, lá dong, đỗ xanh, thịt lợn để gói bánh chưng, làm các món ăn truyền thống trong dịp Tết. Nhiều gia đình vẫn chung nhau tiền vào tận các xóm vùng sâu, vùng xa mua lợn đen, lợn đồng bào nuôi không sử dụng thức ăn công nghiệp, mang về mổ thịt, chia nhau. Ngày Tết, mọi người mặc quần áo đẹp, đến chúc Tết họ hàng, hàng xóm, gia đình quen thân.

Nhiều cộng đồng dân tộc vẫn lưu giữ được nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của dân tộc mình, tiêu biểu như người Lô Lô sinh sống ở một số xóm, xã thuộc huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm.

Người dân Sán Chỉ xã Thượng Hà (Bảo Lạc) quây quần bên bếp lửa hát bài “Slạn nin cọ” chúc mừng năm mới.

Đối với người Lô Lô, đêm giao thừa là đêm nhộn nhịp nhất, trong nhà từ già trẻ, gái trai đều thức đón giây phút chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới. Mọi người cùng quần tụ bên bếp lửa hồng với nồi bánh nghi ngút khói, ôn lại câu chuyện của năm cũ. Vào sáng sớm mùng 1 Tết, người đàn ông lớn tuổi trong gia đình sẽ sửa soạn bàn thờ để mời tổ tiên về đón Tết cùng gia đình.

Bữa ăn ngày Tết của người Lô Lô không thể thiếu thịt gà, lợn đen treo trên gác bếp, cá lam, đặc biệt là món ăn được chế biến từ các loại côn trùng như châu chấu, nhái…, được người dân tìm kiếm từ rừng mang về. Sau khi ăn mâm cơm Tết xong, mọi người mới bắt đầu đi xông nhà. Người Lô Lô rất coi trọng việc xông nhà, họ quan niệm chỉ người đàn ông mới được xông nhà, sau đó phụ nữ và trẻ em mới đi vào các nhà để chúc Tết. Trong những ngày xuân, mọi người khi gặp nhau, dù không quen biết, nhưng ai cũng có thể gửi lời chúc phúc bằng những làn điệu, khúc ca đã được truyền giữ từ ngàn đời. Đây là một nét văn hóa rất riêng thể hiện tình cảm mến khách của người Lô Lô.

Tết là sự kiện thiêng liêng và giàu ý nghĩa để “trở về”: trở về quê hương, trở về bên gia đình hay những người thân và đặc biệt là trở về cùng không khí hoài niệm của Tết xưa, để mỗi cái Tết nay cũng trọn vẹn, ấm áp và đủ đầy như Tết của những ngày tháng cũ.
Hoàng Thu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Điền tên của bạn