Thông tin về các Lễ hội trên địa bàn thành phố Cao Bằng năm 2018

0
1438

Để giúp quý vị có thêm thông tin về các lễ hội Xuân Mậu Tuất, Ban Biên tập Website xin giới thiệu một số nội dung cơ bản liên quan đến các điểm di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thành phố Cao Bằng.

DI TÍCH CHÙA ĐỐNG LÂN

Chùa Đống Lân, thuộc xóm 6 Hồng Quang, xã Hưng đạo, thành phố Cao Bằng. Năm 1997, chùa Đống Lân được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.
Thời thập nhị sứ quân, ở Châu Thạch Lâm có hai anh em Trần Quý và Trần Kiên nổi tiếng là người biết nghề thuốc, có kinh nghiệm trừ được rắn độc. Các ông có tài trừ tà ma, yêu quái đã giúp cho dân chúng yên ổn làm ăn. Khi các ông mất nhân dân dựng đền tại đỉnh Khau Dủa, phía bắc làng Nà Vài. Đỉnh Khau Dủa núi cao, khe sâu rừng rậm, nhiều thú dữ, đi lại khó khăn, nguy hiểm. Nhân dân làm lễ cầu khẩn xin chuyển vị trí đền. Sau khi làm lễ vào một ngày trời không mưa không nắng, có một cơn lốc ập tới làm tốc cả mái đền, một gắp gianh bay là là rơi xuống sườn nam gò Đống Lân. Nhân dân dựng đền tại đó và rước bát hương từ Khau Dủa về thờ.
Đền thờ Trần Quý là đền Đống Lân, đền thờ Trần Kiên là Đền Cai Cộng đều thuộc xã Vu Tuyền, trải qua các đời đều có sắc phong và tiến thêm mỹ tự. Triều Lê, Trần Quý được phong làm Đống Lân đại vương trung đẳng thần, Trần Kiên làm Cai cộng đại vương hạ đẳng thần, quốc tế hai mùa xuân thu. Hai đền Đống Lân Cai Cộng qua các triều đại đều có cúng tế và phong tặng mỹ tự: Đống Lân diệu linh thông cảm, trợ quốc hiệu linh, phấn dũng ninh biên, thuỳ khánh tứ hỗ, dương liệt hiển linh đại vương. Cai cộng linh diệu hiển ứng trợ vũ, anh quả hùng đoán đại vương.
Dưới thời nhà Lý (cuối thế kỷ XI), phật giáo rất thịnh hành, ngay tại vị trí đền thờ Trần Quý, Trần Kiên, Chùa Đống Lân được dựng lên để thờ phật, ngoài ra trong chùa còn có bát hương thờ Thạch Sanh. Ngôi chùa đã trải qua rất nhiều biến cố của lịch sử, được xây dựng lại nhiều lần và tồn tại cho đến ngày nay.
Lễ hội chùa Đống Lân được tổ chức vào mùng 8 tháng giêng hàng năm.

QUẦN THỂ DI TÍCH ĐÀ QUẬN

Quần thể di tích Đà Quận thuộc xóm Đà Quận, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng (xưa là xã Xuân Lĩnh, Châu Thạch Lâm), bao gồm ba di tích: Chùa Viên Minh, đền Quan Triều, đôi Chuông chùa Đà Quận và đền Quan Triều.
Chùa Viên Minh là một trong ba ngôi chùa cổ nhất của Cao Bằng. Năm 2008, chùa Viên Minh được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh
Tương truyền, chùa Viên Minh được xây dựng từ thời Lý (Lý Anh Tông 1138 -1175) trên một gò đất có biểu tượng con rồng. Khi Nhà Mạc đóng đô tại Cao Bằng đã trùng tu xây dựng lại. Đến thời hậu Lê chùa lại được trùng tu và đúc chuông lớn, mở rộng tiền đường, sửa sang phật điện, trở thành một nơi linh thiêng và là nơi vãn cảnh nổi tiếng. Trong chùa có đôi câu đối:
Viên Minh thần tích hưng tiền Lý
Đà Quận thần chung chú hậu Lê

Đền Quan Triều thờ Dương Tự Minh. Năm 2008, được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Dương Tự Minh là một danh tướng có tài, dân tộc Tày, quê ở Bản Danh, xã Quan Triều, Phủ Phú Lương. Ông đã có những đóng góp to lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc vùng biên cương phía Bắc của nước Đại Việt. Giữa thế kỷ XII, ông được phong làm thủ lĩnh phủ Phú Lương. Ông là phò mã hai triều đại vua: lấy Diên Bình công chúa (Lý Nhân Tông 1072 – 1128) và lấy Thiều Dung (Hồng Liên) công chúa (Lý Anh Tông 1138 – 1145). Sau khi ông mất, triều đình đã cho lập đền thờ và truy phong trung đẳng thần. Trong Đền còn có ban thờ Hồng Liên công chúa. Đền Quan triều đã được phong mỹ tự: Quan Triều – Hồng Liên công chúa thông diệu linh cảm, trợ quốc trấn biên, hoài phục tụy tĩnh, phụng công vĩ liệt đại vương.
Quần thể di tích nổi tiếng với hai quả chuông lớn (Thần chung – Chuông thần). Năm 1993, được xếp hạng di tích nghệ thuật cấp Quốc gia.
Trên chuông có đúc bài minh bằng chữ Hán. Trên chuông ghi rõ niên đại Long Phi Càn Thống chi thập cửu niên Tân Hợi cốc nhật (năm 1611). Với những giá trị đặc sắc, năm 2016, Đôi Chuông đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.
Lễ hội Đà Quận được tổ chức vào mùng 9 tháng giêng hàng năm.

DI TÍCH ĐỀN KỲ SẦM

Đền Kỳ Sầm thờ Nùng Trí Cao một nhân vật lịch sử đầu thế kỷ XI (1025-1053), sinh trưởng trong một gia đình tộc trưởng ở địa phương, được triều đại nhà Lý ban cho cai quản vùng đất Quảng Nguyên (thuộc Cao Bằng).

Trong quá trình trấn giữ châu Quảng Nguyên và các vùng phụ cận (Động Lôi Hỏa, Bình, An, Bà và châu Tư Lang). Nùng Chí Cao đã tổ chức lực lượng quân sự hùng mạnh và đánh tan các cuộc xâm lược của nhà Tống, góp phần bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ quốc. Năm 1043, vua Lý Thái Tông ban cho Nùng Chí Cao chức Thái bảo, một trong ba chức danh cao nhất thời Lý.
Sau khi ông mất dân địa phương đã lập miếu thờ phụng. Nhà Lý đặc chiếu bao phong Nùng Chí Cao là Khau Sầm đại vương, cho lập đền thờ và phong Thượng đẳng thần, xuân thu nhị kỳ quốc tế, các triều đại sau đều gia phong mỹ tự: Khau Sầm tế thế, an dân hãn ngoại, ninh thùy trấn dịch, anh nghị quả đoán hiển ứng thùy hưu, hộ quốc an dân đại vương. Trải qua các thế hệ, hình ảnh Nùng Trí Cao đã đi vào tâm thức và để lại dấu ấn sâu đậm trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Đền Kỳ Sầm được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1993.
Lễ hội đền Kỳ Sầm được tổ chức vào mùng 10 tháng giêng hàng năm.

DI TÍCH ĐỀN BÀ HOÀNG

Đền Bà Hoàng thờ Minh Đức hoàng hậu (Thế kỷ XI). Năm 2008, đền Bà Hoàng được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh, thuộc tổ 16, phường Sông Bằng, thành phố Cao Bằng.
Bà Hoàng là một người phụ nữ đôn hậu, mưu lược, tài giỏi. Bà đã có công nuôi dạy, rèn luyện võ nghệ cho con là Nùng Trí Cao, sau này Nùng Trí Cao đã trở thành một anh hùng giúp nhà Lý trấn ải biên cương. Bà còn giúp con điều binh khiển tướng, thành lập đội kỵ binh, dạy võ nghệ cho binh sĩ, được nhà Lý mời làm cố vấn cho tướng lĩnh. Ngoài ra, bà còn dạy nhân dân biết chăn nuôi gia súc béo tốt nên nhân dân suy tôn bà là thần gia súc.
Đền Bà Hoàng được dựng ở chân núi Kim Pha, bên phải có con suối chảy ra cánh đồng Nà Cạn. Ngọn núi Kim Pha sừng sững như tượng ngao vờn, bên cạnh là núi Mã Phi liên tiếp uốn lượn như phượng múa. Cảnh trí rất đẹp và thơ mộng. Đền được xây bằng gạch, nhìn ra hướng Sông Bằng, có 3 gian lợp ngói, trên hai đầu hồi có trang trí một đôi phượng hoàng giang rộng cánh, gian giữa có một bệ thờ đặt tượng bà trùm khăn đỏ. Năm 1947, thực dân Pháp phá đền làm đồn bảo vệ sân bay Nà Cạn. Ngôi đền hiện nay được dựng tạm tại vị trí cũ.
Thời nhà Lý, Đền Bà Hoàng được phong là thượng đẳng thần, xuân thu nhị kỳ quốc tế. Các triều đại sau gia phong mỹ tự: Bà Hoàng phổ ứng hiển linh diệu cảm, Hồng hựu tĩnh trấn hiển phu linh thông, phục viễn ninh cảnh, Vũ di hiển hưu, Cảm ứng hộ quốc, Ninh dân dương vũ đinh công đại vương.
Lễ hội đền Bà Hoàng được tổ chức vào ngày 15 tháng giêng hàng năm.

DI TÍCH CHÙA PHỐ CŨ

Chùa Phố Cũ thuộc tổ 2, Phố Cũ, phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng. Chùa là một di tíchmang phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn tiêu biểu tại Cao Bằng. Chùa Phố Cũ còn có giá trị cách mạng quan trọng, tại đây ngày 22/8/1945 nhân dân các dân tộc địa phương đã tổ chức mít tinh thành lập Ủy ban lâm thời thị xã Cao Bằng và lễ ra mắt Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh Cao Bằng, trở thành ngày đáng ghi nhớ của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, lật đổ ách thống trị giành chính quyền về tay nhân dân. Chùa Phố cũ được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 2002.

Trên bức hoành phi chính giữa gian trung đường và bài minh văn trên quả chuông đời vua Càn Long có ghi: “Càn Long thập nhị niên”, “Hiện thánh cung văn võ nhị đế”.
Chùa Phố Cũ xuất xứ từ một ngôi Miếu, xây dựng vào năm 1679, đến thời nhà Nguyễn thời vua Gia Long (1802-1820) Miếu được sửa sang xây dựng lại hoàn toàn theo phong cách mới và được gọi là Chùa với chức năng “Tiền thánh hậu phật” ngoài ra Chùa còn được thờ Hưng Đạo Vương (do đền thờ Trần Hưng Đạo ở phố Thầu bị phá nên đã chuyển sang thờ ở Chùa Phố Cũ).
Lễ hội chùa Phố Cũ được tổ chức vào mùng 02 tháng hai hàng năm.

Nguồn tin: Phòng VHTT thành phố CB

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Điền tên của bạn