Những “bông hoa” doanh nhân tô thắm sắc xuân quê hương

0
630

Mùa xuân- mùa của đất trời, vạn vật sinh sôi, mùa của tình yêu và khát vọng. Chúng tôi có dịp gặp gỡ những nữ doanh nhân tiêu biểu của tỉnh, được nghe họ nói về những khát vọng của người phụ nữ “năng động, sáng tạo”, góp phần tô thắm sắc cho mùa xuân quê hương.

Chị Chu Thị Xuân, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Cao Bằng (bên trái), trao giải thưởng cho khách hàng tham gia Lễ bốc thăm trúng trưởng của công ty.

NĂNG ĐỘNG TRÊN THƯƠNG TRƯỜNG

Chị Chu Thị Xuân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ Doanh nhân tỉnh – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Cao Bằng, trong 5 năm (2012 – 2017), chủ động, linh hoạt đổi mới, mở rộng công ty với 5 lĩnh vực kinh doanh, gồm: Hệ thống siêu thị bán lẻ, bán xe máy, dịch vụ giải trí karaoke, kinh doanh khu thể thao và giải trí, phát triển dự án chăn nuôi tại chi nhánh Thông Huề (Trùng Khánh). Khuyến khích cán bộ, nhân viên làm giải pháp sáng kiến cơ sở, có 56 giải pháp được áp dụng hiệu quả, như: Giải pháp đẩy mạnh thực hiện chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tại thị trường Cao Bằng được Hội đồng sáng kiến tỉnh Cao Bằng công nhận đạt sáng kiến cấp tỉnh năm 2012; Giải pháp tăng doanh số bán hàng từ việc đổi mới tổ chức bán hàng và chăm sóc khách hàng (năm 2012); Giải pháp Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ việc xây dựng hệ thống chăm sóc khách hàng (năm 2013)…

Đổi mới đồng bộ, công ty ngày càng mở rộng thị trường, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo được uy tín với khách hàng. Các chỉ tiêu kinh doanh cơ bản đều đạt khá cao, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả. Công ty đã tạo việc làm ổn định cho gần 200 lao động, thu nhập bình quân gần 4 triệu đồng/người/tháng, nộp ngân sách nhà nước 3,6 tỷ đồng/năm.
Chị Xuân vinh được Hội Doanh nhân Việt Nam tôn vinh “Cúp Nữ doanh nhân thành đạt”, “Cúp Bông Hồng Vàng”…  được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba.
LUÔN GẮN KINH DOANH VỚI LỢI ÍCH NGƯỜI TIÊU DÙNG
Chị Đinh Thị Dung, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tư Dung hoạt động trong lĩnh vực đại lý phân phối sản phẩm hàng tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, cho biết: Kinh doanh luôn tính đến lợi nhuận nhưng lợi nhuận luôn gắn với phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng, đem lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội. Vì thế, dù kinh doanh trên thị trường có nhiều khó khăn, tôi và tập thể công ty đã lập các phương án kinh doanh hiệu quả từ đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phương án kinh doanh của công ty là: Nhận làm nhà đại lý phân phối, cung cấp các sản phẩm hàng tiêu dùng, như: bánh kẹo, bia, rượu và các mặt hàng tiêu dùng khác do Việt Nam sản xuất để bán buôn, bán lẻ. Đồng thời, thường xuyên trao đổi với nhà cung cấp, nhà sản xuất về tăng cường nâng cao chất lượng hàng hóa, mẫu mã, số lượng hàng Việt Nam cho thị trường Cao Bằng…

5 năm qua (2012 – 2017), công ty chị Dung làm đại lý nhiều mặt hàng tiêu dùng Việt Nam tại thị trường Cao Bằng và phân phối đến 13 huyện, Thành phố. Tổng lưu lượng hàng hóa công ty đạt hàng nghìn tấn/năm.

Chị Đinh Thị Dung, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tư Dung đang kiểm tra hàng hoá phục vụ bán trong dịp Tết Mậu Tuất.

Bên cạnh đó, Công ty đổi mới, cải tiến các bước giao dịch mua bán và thanh toán để thuận lợi nhất cho khách hàng. Tăng cường bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực doanh nghiệp, khuyến khích người lao động có sáng kiến, giải pháp hữu ích làm tăng năng suất lao động, phục vụ ngày càng tốt hơn cho khách hàng là đại lý bán lẻ…
Từ các phương án kinh doanh phù hợp, doanh thu công ty tăng trưởng hằng năm, tạo việc làm cho 150 lao động, nộp ngân sách hơn 1 tỷ đồng/năm. Công ty còn hỗ trợ gia đình chính sách, hộ nghèo đặc biệt khó khăn trên 250 triệu đồng.

TRỌNG CHỮ “TÂM” ĐỂ XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU

Chị Đặng Thanh Hương hướng dẫn cách cắt, may áo dài.

“Với tôi, xây dựng thương hiệu thì phải trọng chữ “Tâm” làm đầu” – chị Đặng Thanh Hương là chủ Nhà may áo dài Thanh Hương uy tín, nổi tiếng của Thành phố chia sẻ về quá trình xây dựng thương hiệu áo dài của mình.

Theo chị gốc con người đẹp là từ “Tâm” nên nghề gì cũng cần có tâm. Muốn làm cho người khác đẹp thì người làm nghề trước hết phải có tâm để sáng tạo ra sản phẩm tinh xảo, hài lòng khách hàng. Vì thế có gần 30 năm làm nghề, đạt đến tầm “Nhất nghệ tinh” là cả quá trình chị chuyên tâm, sáng tạo, thổi hồn trên từng đường kéo cắt vải, tỉ mỉ, từng đường kim, mũi chỉ… để may những chiếc áo dài, tôn vinh vẻ đẹp chị em phụ nữ trong trang phục truyền thống. Nghề may áo dài của chị ngày càng thu hút được khách hàng đến may, đặt hàng với số lượng lớn.

Từ năm 2010, chị từng bước mở rộng quy mô cửa hàng, cần thêm người có tay nghề làm việc. Chị lựa chọn khác biệt là chọn lao động nữ hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật vào học nghề, làm việc. Nhiều người cho rằng đó là sự trở ngại. Còn với chị, những chị em yếu thế trong xã hội cần được giúp đỡ, giúp họ học nghề thì họ sẽ chuyên tâm với công việc.
Không chỉ thành đạt trong nghề, chị Hương còn có tấm lòng hảo tâm, đồng hành và ủng hộ gần 400 triệu đồng cho nhiều chương trình từ thiện, như: Chương trình “Thắp sáng niềm tin” của Đài Phát thanh và Truyền hình Cao Bằng; Câu lạc bộ Thiện nguyện tỉnh; các đoàn từ thiện ngoài tỉnh… Những đóng góp tích cực của chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững (giai đoạn 2002 – 2012 và 2012 – 2017).

DỆT MÙA HOA TRÊN NÚI

Gặp chị Hà Thị Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Kolia Cao Bằng, chúng tôi dí dỏm nói vui: “Chị đã dệt nên những mùa hoa trên núi, làm giàu cho quê hương”. Chị cười hiền hậu, khiêm tốn nói: Huyện Nguyên Bình nơi tôi sinh ra và lớn lên còn nhiều khó khăn nên tôi mong muốn đồng hành cùng bà con khai thác lợi thế địa phương để làm kinh tế, vươn lên giảm nghèo.

Vườn rau bắp cải trên đỉnh núi Phja Đén của Công ty TNHH Kolia Cao Bằng do chị Hà Thị Hoa làm giám đốc.
Nắm bắt lợi thế của vùng núi Phja Đén (Thành Công, Nguyên Bình) có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp để phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, trong đó có các loại hoa, rau ôn đới mà nơi khác không ưu thế như nơi đây, Công ty TNHH Kolia Cao Bằng đã mạnh dạn triển khai Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất rau, hoa ôn đới tăng thu nhập cho người dân khu vực Phja Đén, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng” (2016 – 2019). Qua hơn 2 năm triển khai dự án, công ty của chị Hoa từng bước cải tạo đồi đất hoang Phja Đén thành đồi hoa và rau chất lượng cao, gồm: hoa lay ơn, hoa ly… và rau bắp cải, súp lơ, đậu Hà Lan chất lượng cao. Mở rộng quy mô 30 ha tại khu vực Phja Đén sẽ tạo việc làm cho 60 – 100 lao động. Dự án là cơ sở cho việc nhân rộng ra các huyện, Thành phố trong tỉnh theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất rau – hoa giá trị cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Những “bông hoa” doanh nhân của tỉnh đang đồng hành cùng quê hương dệt nên những mùa xuân no ấm. Họ không chỉ là những phụ nữ giỏi việc tề gia, nội trợ mà còn là những giám đốc, người đứng đầu doanh nghiệp giỏi giang trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh, từng bước khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Trường Hà

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Điền tên của bạn