Viên kim cương thô nơi biên ải

0
503

Vườn Quốc gia Phja Oắc – Phja Đén được ví như một Sa Pa thứ 2, vẫn còn hoang sơ, hứa hẹn mang lại tiềm năng lớn cho Cao Bằng cả về du lịch và nông nghiệp.

Một Sa Pa thứ hai mộc mạc và hoang sơ 

Đây là nơi hội tụ hương rừng gió núi, không gian đất trời như hòa quyện vào nhau, cảnh sắc ngập tràn hoa lá trong mùa xuân, đồng thời là ‘chiếc máy điều hòa’ khổng lồ trong mùa hạ, là tấm thảm thiên nhiên tươi xanh trong vắt giữa trời thu, là tuyết phủ trắng xóa đỉnh núi trong mùa đông lạnh giá. Những ai đang tiếc nuối nét đẹp tự nhiên và hoang sơ của Sa Pa (Lào Cai) đang dần mất đi thì có thể thấy một Sa Pa thứ hai, “nguyên thủy” và hoang sơ tại Vườn Quốc gia Phja Oắc – Phja Đén của tỉnh Cao Bằng.

Nằm trong Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, vườn Quốc gia Phja Oắc – Phja Đén (huyện Nguyên Bình) với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành, mát mẻ, có lợi thế lớn để phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng. Nơi đây đã từng được người Pháp xây dựng khu nghỉ dưỡng từ đầu thế kỷ 20.

Đồi chè Kolia, ngọn núi phía xa là đỉnh Phja Oắc cao 1.931m

Vườn quốc gia Phja Oắc – Phja Đén là rừng đặc dụng nằm trên địa bàn 4 xã: Thành Công, Quang Thành, Phan Thanh, Hưng Đạo và thị trấn Tĩnh Túc (huyện Nguyên Bình), cách thành phố Cao Bằng 73km về phía tây theo tỉnh lộ 212 và quốc lộ 34.

Từ thành phố Cao Bằng lên Phja Đén đi ô tô mất khoảng hơn 2 giờ đồng hồ. Càng lên gần Phja Đén khí hậu càng trong trẻo, mát lành. Phja Oắc và Phja Đén là tên 2 đỉnh núi, trong đó đỉnh Phja Oắc có độ cao 1.931m, được ví như “nóc nhà” phía Tây của tỉnh Cao Bằng; Phja Đén có độ cao 1.391m.

Vườn Quốc gia Phja Oắc – Phja Đén có môi trường thuận lợi cho công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, là nơi lý tưởng cho các nhà nghiên cứu về đa dạng sinh học.

Về thực vật, khu vực này có 1.287 loài thuộc 786 chi trong 202 họ của 6 ngành thực vật; Về động vật, có 496 loài động vật có xương sống, ngoài ra còn có hàng nghìn loài động vật không xương sống, côn trùng… Trong đó có 352 loài thực vật, 58 loài động vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam… Đây là nguồn tài nguyên vô cùng quý hiếm, những nguồn gen động, thực vật này có giá trị cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt.

Vào mùa xuân, du khách tới nơi này sẽ được chiêm ngưỡng nhiều loài hoa mọc tự nhiên như đỗ quyên, lan rừng nở rực rỡ. Mùa đông, ta có thể chứng kiến những bông hoa tuyết phủ đầy dãy núi, cành cây và khám phá những khác biệt về địa chất, địa mạo, địa tầng của tự nhiên.

Phân bố xung quanh vườn quốc gia là những làng bản, những dòng suối, triền đồi, những thửa ruộng bậc thang được đồng bào dân tộc trồng lúa, ngô, sắn, chè… tạo nên những bức tranh thiên nhiên vô cùng tươi đẹp. Du khách đến đây còn được tìm hiểu thêm về nền văn hóa bản địa nhiều sắc mầu thể hiện trong trang phục, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc Dao, Nùng, Tày, Mông.

Kết hợp nông nghiệp sạch và du lịch sinh thái

Cho biết thêm về lịch sử phát triển của vùng Phja Đén-Phja Oắc, anh Hoàng Mạnh Ngọc, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Kolia Cao Bằng, một người con của quê hương Nguyên Bình, kể rằng: Cách đây hơn trăm năm, Phja Đén được người Pháp chọn làm nơi nghỉ dưỡng (1906). Nằm dưới rừng thông xanh cổ thụ, những dấu tích công trình kiến trúc từ thời Pháp ở Phja Đén như: Nhà Đỏ, nhà Tài Soỏng… vẫn phủ một lớp rêu phong của thời gian qua hai thế kỷ.

Phja Đén là điểm đầu cung đường đèo đi qua nhiều dãy núi hùng vĩ nối xuống huyện Ngân Sơn – Bắc Kạn – quốc lộ 3 – Hà Nội. Cung đường này gắn với huyền thoại nữ kỹ sư Kolia (người Pháp), đã không ngại núi đồi cheo leo hiểm trở, tự mình lội suối băng rừng đi khảo sát, mở đường lên Phja Đén. Khi rời khỏi trần gian, Kolia đã nằm lại Phja Đén như gắn bó máu thịt của mình với miền đất này.

Nhân công là người dân tộc tại địa phương đang hái chè trên đồi của Kolia

Anh Hoàng Mạnh Ngọc đã mạnh dạn đầu tư, dành nhiều tâm sức gây dựng nên một trung tâm sản xuất nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch sinh thái trên đỉnh Phja Đén.

Có lẽ, cảm kích tài năng và công lao của nữ kỹ sư người Pháp, tên gọi Công ty TNHH Kolia hay tên thường gọi là “Đồn điền chè và khu nghỉ dưỡng sinh thái Kolia” mà anh Hoàng Mạnh Ngọc tự đặt như nén tâm nhang tưởng nhớ, tri ân người nữ kỹ sư tài hoa đã tìm ra địa danh Phja Đén-Phja Oắc.

“Tôi làm một người con sinh ra lớn lên ở mảnh đất Nguyên Bình nên tôi cũng rất tâm huyết với quê hương. Năm 2011, tôi đã mạnh dạn đầu tư vào vùng này được sự tư vấn của rất nhiều các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ trong và ngoài nước. Dự án trồng chè chúng tôi triển khai từ năm 2012. Chúng tôi đã trồng và chế biến được những loại trà cao cấp nhất của thế giới bao gồm Ô Long, Hồng Trà, Bạch trà, trà Đông phương Mỹ nhân… Hiện tại, những sản phẩm trà Kolia đưa ra thị trường thì được bạn hàng trong nước và quốc tế đánh giá rất cao về hương vị và chất lượng. Thị trường xuất khẩu chính của trà Kolia là: Đài Loan, Trung Quốc, Úc và Bắc Mỹ.”, anh Hoàng Mạnh Ngọc cho biết.

Anh Hoàng Mạnh Ngọc, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Kolia Cao Bằng

Mô hình ở đây tất cả nông nghiệp đều theo quy trình nghiêm ngặt của nông nghiệp hữu cơ từ chăn nuôi đến trồng trọt. “Vùng chè của tôi trong diện tích của Công ty thì trồng được hơn 20 ha và triển khai ra người dân được 30 ha. Chúng tôi đã chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ giống, tập huấn cho hơn 500 lượt bà con tham gia và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con. Chúng tôi tư vấn cho bà con nắm được quy trình sản xuất trồng, chăm sóc trà hữu cơ”, anh Ngọc chia sẻ.

Ngoài bao tiêu sản phẩm thì Công ty sử dụng nhân lực toàn bộ là đồng bào đang sinh sống tại đây, hầu hết là người Dao, Tày, Nùng. Hiện tại đội ngũ kỹ thuật, công nhân chính thức của Công ty chỉ tầm 20 người. Tất cả những công việc ở trên đồi chè và vườn rau đều thuê người dân ở các thôn, bản xung quanh đây, tạo thu nhập cho bà con. Chi phí nhân công trả cho bà con hàng năm cũng rất lớn. Hỏi thăm người dân đang hái chè trên đồn điền, họ cho biết thu nhập mỗi lao động không dưới 5 triệu đồng/tháng.

Dự án chè của Kolia đã giúp thay đổi được cuộc sống của bà con vùng. Từ cảnh sống khó khăn lúc trước, hiện tại thì cuộc sống của họ cũng đã được cải thiện đã ổn định thu nhập. Tiếp theo Công ty Kolia đang đưa rau, hoa ôn đới vào trồng thử nghiệm và cũng đã có những kết quả rất khả quan. Sắp tới, Kolia triển khai trồng các loại rau, hoa này trên diện rộng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, gia tăng thu nhập cho người dân trong vùng.

Sự phát triển không ngừng của Kolia tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân bản địa

Chưa dừng lại ở đó, anh Ngọc dự định sẽ triển khai trồng dược liệu và sẽ gắn kết chặt chẽ hơn với nông dân. Trên núi có rất nhiều loại dược liệu quý hiếm như Thất Diệp Nhất Chị Hoa, Lan Kim Tuyến, một số loại sâm.

Anh Ngọc cho biết: “Cách đây 1 tháng, tôi vừa đưa các nhà khoa học lên để nghiên cứu thử nghiệm di thực sâm Ngọc Linh về đây. Điều kiện độ mùn, chất đất, khí hậu ở trên này phù hợp để triển khai trồng sâm Ngọc Linh của Kon Tum,Gia Lai. Công ty chúng tôi trong tháng tới sẽ triển khai nuôi trồng đông trùng hạ thảo dưới hình thức bán tự nhiên. Thời tiết nóng thì mới phải đưa vào nhà điều hòa, thời điểm trời lạnh thì có thể đưa ra ngoài nuôi nuôi tự nhiên. Nuôi trồng đông trùng hạ thảo tại Việt Nam đã có rồi nhưng mà đều trồng trong nhà hết. Mình muốn đưa ra ngoài tự nhiên, chất lượng sản phẩm sẽ nâng lên gấp đôi, hoạt chất trong sản phẩm cao hơn rất nhiều”.

Trang trại chè và khu nghỉ dưỡng Kolia trong vùng chân ngọn núi Phía Oắc, thuộc vùng đệm của rừng vườn quốc gia Phía Oắc – Phả Đén, nơi có 10.500 hecta rừng nguyên sinh. Một số thôn bản khu vực này đang được định hướng làm du lịch cộng đồng. Đồng bào sinh sống nơi đây có những loại hình văn hóa độc đáo không nơi nào có.

Xóm Vài Khao, cách khu Koela khoảng 5km, nơi đồng bào Dao Tiền sinh sống tách biệt hẳn với thế giới văn minh và hiện tại là nơi rất tiềm năng để sau này sẽ làm du lịch cộng đồng. Phía bên kia núi là bản người Dao có phong tục cấp sắc và nghề chạm bạc truyền thống, nghề dệt thổ cẩm. Một mô hình độc đáo khác là in sáp ong làm hoa văn áo, trang phục của người dân tộc Dao Tiền. Đây là nét rất đặc sắc của vùng này.

Hồ nước nhân tạo trên đỉnh đồi cao nhất đồn điền chè Kolia

“Hiện tại công ty mới chỉ đầu tư khu vực nghỉ dưỡng sinh thái ở mức độ nhỏ, dành cho bình dân. Ngọn núi rất rộng, có diện tích hơn 40 ha. Chúng tôi sẽ đầu tư khu cao cấp để cho người nước ngoài phía bên kia núi. Hầu hết những người nước ngoài đến đây đều rất thích khí hậu vùng này”, anh Ngọc tiết lộ.

Lên Kolia, trải nghiệm khiến du khách thích thú nhất chính là mang trên mình chiếc giỏ đựng chè để hóa thân thành cô gái bản địa bước vào nương chè Phja Đén và thử công việc nhìn có vẻ giản đơn này nhưng lại không dễ một chút nào ấy.

Không những thế, dọc đường lên Kolia, du khách có thể dừng chân trải nghiệm, ngắm những sườn đồi trồng toàn hoa tam giác mạch, thỏa thích chụp ảnh và hít hà những bông hồng cổ khoe sắc giữa xanh thẳm đồi chè.

Trước khi nhấm nháp hương vị của vị trà nơi sương mù Phja Đén, du khách còn có thể tìm cho mình một khoảng lặng bên hồ nước nhân tạo cao nhất của Kolia nhìn khung cảnh nên thơ mà yên ả của miền trà này.

Kolia cũng là một đối tác Công viên địa chất toàn cầu. Công ty có hai điểm đồn điền chè và khu nghỉ dưỡng. Unesco đã chọn đơn vị này là đối tác để phát triển sinh kế cho người dân trong vùng. Bên cạnh việc hỗ trợ bà con nông dân vùng này phát triển sản xuất, Kolia cũng đang đồng hành với người dân nơi đây và một số thôn, bản có những nét văn hóa đặc sắc để đưa loại hình du lịch văn hóa gắn với nông nghiệp sạch phát triển vùng này.

Bởi tư duy, nhận thức của người dân tộc thiểu số vẫn còn những hạn chế nên phải có sự vào cuộc của các cấp, các nhanh. Chính quyền địa phương trong thời gian qua đã có những phổ biến tuyên truyền rất tốt.

“Ở góc độ Công ty, chúng tôi cũng đã hỗ trợ trực tiếp, cầm tay chỉ việc cho bà con. Hiện tại, chúng tôi đã đào tạo được 2 đội văn nghệ thôn bản. Tôi đã vào gặp từng trưởng xóm và đã ngồi với bà con để giải thích: Đã làm du lịch cộng đồng thì vệ sinh là hàng đầu. Tập quán vệ sinh của bà con chưa ổn và sinh hoạt phải điều chỉnh. Đường làng ngõ xóm phải sạch đẹp, mọi vấn đề vệ sinh phải đáp ứng vì khách người nước ngoài cũng rất kỹ. Cho dù họ thích dân dã nhưng mà khâu vệ sinh phải rất sạch sẽ. Trong thời gian tới, Công ty chúng tôi sẽ có những buổi tập huấn để hướng dẫn cho bà con về kỹ năng làm du lịch cộng đồng. Ở vùng này khách đến thường xuyên, đông nhất là ngày nghỉ, ngày lễ, Tết với mộ hình hiện có gần như quá tải. Công ty sẽ phải mở rộng thêm một số dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của du khách”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Trung Thảo trao đổi với các phóng viên về kế hoạch phát triển bền vững khu vực Vườn quốc gia

Mô hình kinh tế làm nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch sinh thái của ở Kolia đã góp phần thu hút số lượng lớn khách du lịch đến với Nguyên Bình, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương. Chỉ tính riêng năm 2018, đã có tới khoảng 38.000 lượt khách tới huyện tham quan. Riêng số lượng khách đến với Kolia khoảng từ 6000 – 10000 lượt khách (năm 2017) và hơn 10.000 lượt (năm 2018).

Mảnh đất hoang vu Nguyên Bình với khoảng 85% là người dân tộc thiểu số đang ngày một thay da đổi thịt, người dân làm giàu trên chính thửa ruộng, mảnh vườn của mình, khiến cuộc sống ngày một được ổn định và khấm khá hơn.

Phát triển phải gắn với bảo tồn và phát huy

Gần đây, xu hướng phát triển bền vững gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa và phát huy bản sắc dân tộc, các quốc gia nhận thấy rằng, công viên địa chất toàn cầu là một câu trả lời tốt bởi các tiêu chí phù hợp mà UNESCO đưa ra.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Trung Thảo chia sẻ: Tỉnh có một số điểm du lịch rất đặc biệt như: Vườn quốc gia Phja Oắc – Phja Đén, nhưng hiện nay quan điểm của Tỉnh chưa cho nhà đầu tư chưa đủ tiềm lực vào, bởi vì hiện nay là nếu đầu tư vào đó thì nhà đầu tư phải thực sự có năng lực tài chính và kinh nghiệm để đảm bảo khi đầu tư vào khu vực này phải bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên vì nó nằm trong vùng lõi Công viên địa chất.

Những đặc sản địa phương được bày bán tại Kolia

Cao Bằng không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế nên phải thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường để bảo đảm hài hòa lợi ích. Việc giải quyết xung đột giữa phép tăng trưởng kinh tế và bảo vệ hệ sinh thái, môi trường vẫn là bài toán khó đối với hầu hết các nguyên thủ trên thế giới, không riêng gì Việt Nam.

Cao Bằng sẽ dựa trên Công viên địa chất toàn cầu phát triển du lịch bền vững, trên cơ sở đó vừa phát triển kinh tế xã hội vừa đảm bảo việc bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên và văn hóa. Đấy là mục tiêu của tỉnh Cao Bằng trong thời gian tới.

Bên cạnh sự ưu đãi của khí hậu thì vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ của núi rừng cùng sự thuần phác của người dân nơi đây chính là điểm hút khách du lịch. Vườn Quốc gia Phja Oắc – Phja Đén nói riêng và các điểm du lịch khác của Cao Bằng nói chung vẫn đang ở giai đoạn sơ khởi, như viên kim cương thô cần bàn tay nghệ nhân mài giũa, vừa giữ được nét nguyên bản, vừa toát lên hào quang lóng lánh của những giá trị nội tại.

Bảo tồn các di sản địa chất, sự đa dạng về sinh học và quan trọng nữa là bảo tồn các giá trị về bản sắc văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng sẽ đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững trong vùng công viên địa chất, nhất là tạo sinh kế lâu dài cho chính đồng bào dân tộc nơi đây.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Điền tên của bạn