“RẤT NGHIÊM KHẮC VÀ NHÂN VĂN TRONG XỬ LÝ THAM NHŨNG”

0
975

Tại cuộc tiếp xúc cử tri sáng 8/10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành thời gian giải đáp các ý kiến về công tác phòng, chống tham nhũng.

Về kê khai, công khai và kiểm soát thu nhập, tài sản của cán bộ, công chức, Tổng bí thư nói đây là vấn đề khó vì “nó thiên biến vạn hoá, nhiều biến tướng”; hơn nữa đây cũng là việc liên quan đến các luật khác về quyền cá nhân, quyền công dân. “Ở đây có vấn đề quyền bí mật tài sản, mặt tiêu cực của nó là khó kiểm soát nên mới có chuyện trí trá trong kê khai”, ông nói. Liên quan đến nội dung trên, Tổng bí thư cho biết, kỳ họp Quốc hội khai mạc cuối tháng 10 sẽ cho ý kiến vào dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), “tùy thuộc vào sự xem xét của Quốc hội nhưng tinh thần là quyết tâm thông qua”. Về tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế, Tổng bí thư – Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, khẳng định “trước kia có vụ án bao nhiêu năm còn để chìm xuống, nhưng 5 năm nay khắc phục rất nhiều, đưa vụ nào ra làm đến nơi đến chốn, công khai hết”. Theo ông, quy trình xem xét các vụ án rất phức tạp, các bước đưa ra phải có chứng cứ, đủ sức thuyết phục, vừa qua nhiều vụ được xử lý đúng quy định và vượt yêu cầu về thời gian. Cụ thể, vụ án liên quan đến ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh xử sớm hơn so với yêu cầu… Quy trình xử lý từ thanh tra, rồi kiểm tra của Đảng, làm thận trọng, kết luận ra “không cãi vào đâu được”. Khi kiểm tra phát hiện vi phạm pháp luật đến mức khởi tố thì chuyển hồ sơ, công an vào điều tra theo luật hình sự và các bước sau đó theo quy định tố tụng; trong đó có trường hợp bắt tạm giam trước, cấm trốn đi nước ngoài, cấm phân tán tài sản. “Khi xét xử cũng không phải một lần là xong, có khi xử vài năm, vì tội này liên quan người này, tội khác liên quan người khác. Nói vậy để thấy quy trình rất phức tạp, nhưng vừa qua về cơ bản là tốt, đúng yêu cầu”, Tổng bí thư nêu rõ. Ông cũng khẳng định tinh thần xử lý phải để cho những người liên quan tâm phục khẩu phục, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, “không phải xử cốt thật nặng mới là nghiêm, mà để răn đe, ngăn ngừa không xảy ra mới là tốt, chống cũng là để xây, mục đích xây cho tốt để đỡ phải chống”.

Liên quan đến hai nhân sự nguyên là uỷ viên Trung ương Đảng, ông Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Thông tin Truyền thông) và ông Trần Văn Minh (cựu Chủ tịch Đà Nẵng), Tổng bí thư nêu rõ qua xem xét nhiều mặt, Hội nghị Trung ương vừa rồi đã kỷ luật theo quy định trong Đảng, tới đây còn kỷ luật hành chính tương xứng với kỷ luật Đảng, “rồi đến mức hình sự cũng phải đưa ra hình sự xem xét”.

Về thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, vụ việc kinh tế, Tổng bí thư cũng cho hay, trước đây là khâu yếu nhưng đến nay đã được khắc phục.

“Năm vừa rồi đã công khai việc thu hồi tài sản, tôi nhớ là 31%, tương đương 36.000 tỷ đồng; riêng vụ MobiFone mua AVG đã thu hồi 8.500 tỷ đồng. Khi thu hồi được tài sản thì phải giảm nhẹ cho người ta mức khác, cái cốt của chúng ta là thu hồi tài sản cho Nhà nước, giáo dục, răn đe, ngăn ngừa để không được xảy ra, để người ta nhìn vào đây mà sợ, mục đích cao cả lắm”, ông nói.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 8/10

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã trao đổi với các cử tri về việc Hội nghị Trung ương 8, khóa XII thống nhất cao ban hành quy định “trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương”.

“Nêu gương thì tất cả cán bộ, đảng viên đều phải làm nhưng trước hết các lãnh đạo cao nhất phải có trách nhiệm”, ông nhấn mạnh và giải thích thêm, khi thảo luận ở Hội nghị cũng có ý kiến nêu vấn đề tại sao lại chỉ tập trung vào gần 200 ủy viên Trung ương, còn các cấp khác thì sao? Do vậy, quy định phải rất chặt chẽ là áp dụng với tất cả cán bộ, đảng viên nhưng trước hết với cán bộ cấp cao.

“Rất mừng là khi thảo luận Trung ương thống nhất cao, có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử có quy định nói thẳng trách nhiệm của các Uỷ viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương phải gương mẫu, trước đây mới nói chung chung. Tất nhiên phải làm nhiều việc đồng bộ chứ không chỉ một quy định này, chúng ta làm từng bước rồi hoàn thiện.”, Tổng bí thư cho hay.

Trước đó, cử tri Trần Viết Hoàn (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) đánh giá cao việc thời gian qua, nhiều vụ án lớn được đưa ra xét xử, qua đó không ít “quan tham đã phơi bày bộ mặt thật”.

“Người dân mong Đảng, Nhà nước xử lý thật nghiêm”, ông Hoàn nói.

Ông Lê Đức Hạnh, phường Kim Mã (quận Ba Đình) dẫn phát biểu của Tổng bí thư “lò nóng lên rồi củi tươi vào đây cũng phải cháy” và bày tỏ cử tri mong muốn “lò đã nóng thì sắt thép cũng chảy”.

VÕ HẢI – VN Express

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Điền tên của bạn