Mặc dù tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã mất 98% lãnh thổ từng có, nhóm này vẫn duy trì và thu được những khoản lợi không nhỏ từ các nguồn tiền phi pháp.
Dưới đây là bài phân tích về nguồn tài chính khổng lồ của nhóm khủng bố IS do tác giả Colin P. Clarke tổng hợp và đăng tải trên Foreign Policy. Ông Clarke là nhà khoa học chính trị tại Viện Rand Corp (Viện Nghiên cứu chính sách của Chính phủ Mỹ) và là chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Quốc tế về Chống Khủng bố ở The Hague.
Theo nguồn tin quân sự, IS có một nguồn tài chính rất dồi dào và các thành viên của nhóm khủng bố rất thành thạo trong việc phát triển, khai thác các nguồn tiền mới. IS từng phụ thuộc rất nhiều vào những lãnh thổ chiếm được, bao gồm các thành phố và căn cứ trong khu vực nội thành.
Nhưng tới hiện tại, nhóm này còn chứng tỏ khả năng kiếm tiền mà không quá phụ thuộc vào lượng dân số chúng kiểm soát.
Các nguồn thu nhập chính của IS
Vào năm 2015 – thời kì đỉnh điểm của IS với quyền kiểm soát lãnh thổ cực kỳ rộng lớn, tổ chức khủng bố tích lũy được gần 6 tỉ USD. Tới thời điểm hiện tại, con số này khiến IS trở thành nhóm khủng bố giàu có nhất lịch sử nhân loại. Làm cách nào một nhóm khủng bố có thể kiếm được số tiền tương đương GDP của một quốc gia?
Các chuyên gia quân sự đã lý giải “hiện tượng” này. Khi còn nắm quyền kiểm soát lãnh thổ, IS đã kiếm tiền thông qua ba nguồn chính: bán dầu mỏ và khí ga – với doanh thu khoảng 500 triệu USD vào năm 2015, hầu hết thông qua buôn bán nội địa; tống tiền và thu thuế – với lượng tiền kiếm được khoảng 360 triệu USD vào năm 2015; và cuối cùng là hoạt động cướp bóc tại Mosul vào năm 2014 khi IS kiếm được khoảng 500 triệu USD từ kho tiền của các ngân hàng.
Ước tính nguồn tiền thu từ dầu mỏ của IS (số liệu năm 2016).
Hiện tại, IS đã mất hầu hết lãnh thổ. Từ thời điểm thống lĩnh cả một khu vực rộng ngang với nước Anh, nhóm khủng bố ngày hôm nay đã bị quét sạch, tìm cách sống sót qua những trận tổng tấn công của quân đội Syria dọc khu vực Thung lũng Sông Euphrates.
Liên minh các quốc gia đã triệt hạ mầm mống IS tại khắp khu vực Trung Đông và dập tắt tham vọng của thủ lĩnh Abu Bark al-Baghdadi về việc thành lập một nhà nước Hồi giáo tại trung tâm của khu vực. Không có quyền kiểm soát lãnh thổ, IS mất đi nguồn thu lớn từ các hoạt động khai thác dầu mỏ, cướp bóc, tống tiền.
Tuy nhiên, tổ chức này không còn phải phụ thuộc vào yếu tố trên để tồn tại.
Tại sao IS vẫn có tiền để hoạt động?
Số liệu từ nguồn tin tình báo cho hay, các thủ lĩnh của IS có thể đã tuồn 400 triệu USD ra khỏi Iraq và Syria. Mạng lưới mở rộng của IS sẽ rửa khối tiền này dưới lốt các công ty ở trong khu vực, đặc biệt là ở Thổ Nhĩ Kỳ. Một phần tiền có thể được dùng để mua vàng và các loại mặt hàng dự trữ khác để bán lại trong tương lai.
Trong khi đó, kể cả khi nguồn thu nhập của IS giảm sút, thì lượng chi phí mà IS phải thanh toán cũng giảm xuống mức thấp nhất so với một vài năm trước đây. IS không cần phải duy trì một chính phủ tự xưng, không còn phải chịu trách nhiệm chi trả cho y tế, giáo dục, chi phí quản lý, công việc hành chính và các hoạt động xã hội như xử lí rác và nước thải.
Nhờ “tiết kiệm” được khối lượng lớn chi phí, IS vẫn có thể tồn tại và tổ chức các cuộc tấn công, mai phục và đột kích trên khắp Iraq và Syria. Ngoài ra, nhóm khủng bố còn kiếm thêm thu nhập thông qua vô số các hoạt động phi pháp khác, bao gồm bắt cóc, tống tiền, trộm cướp, buôn bán ma túy và buôn lậu đồ cổ.
Những hoạt động này không cần thiết phải thông qua quyền kiểm soát lãnh thổ nhưng cũng khiến các cá nhân của IS phải đối diện với nhiều nguy cơ hơn.
Tuy nhiên, tỉ lệ quân khủng bố bị bắt giữ là khá thấp. Tới thời điểm này, vẫn không có lực lượng an ninh và cảnh sát tại Iraq và Syria đủ năng lực để kiểm soát và ngăn chặn hoạt động tội phạm đang có chiều hướng lan rộng của IS.
Trong tương lai gần, nhóm IS có thể quay trở lại hình thức tống tiền cư dân sinh sống ngoài vùng trung tâm của chính phủ các nước. Trong những năm khủng bố IS còn kiểm soát phần lớn lãnh thổ, thành viên của nhóm còn đi thu thập dữ liệu chi tiết của từng hộ dân cư, số lượng tài sản, thu nhập và địa chỉ của các thành viên trong gia đình.
Nguồn thông tin quan trọng này tạo điều kiện cho nhóm khủng bố tống tiền hiệu quả hơn, thu về không ít “chiến lợi phẩm”.
Mầm mống IS và mưu đồ tái xuất
Ngoài ra, một cách khác để IS có thể kiếm tiền mà không cần kiểm soát lãnh thổ là “kí sinh” vào các dự án xây dựng, tái thiết tại Mosul và những thành phố trong cảnh đổ nát khác.
Tiền thân của IS – nhóm Al-Qaeda và IS tại Iraq – khá thông thạo trong việc kiếm tiền từ những công ty xây dựng và tổ chức có mục đích hỗ trợ xây dựng lại thành phố, thị trấn và làng của người dân Iraq sau những năm chiến tranh ác liệt tại đất nước này.
Quy trình nói trên có khả năng cao sẽ lặp lại trong những năm tới khi cộng đồng quốc tế bắt đầu chú ý tới việc tái thiết Iraq và Syria. Nguồn tiền hỗ trợ tái thiết các khu vực bị chiến tranh tàn phá ở Iraq và Syria – dù được thực hiện với thiện ý – cũng có thể trở thành mục tiêu hấp dẫn cho IS.
Bằng nhiều cách thức, nhóm khủng bố sẽ tìm cách can thiệp vào hợp đồng xây dựng, tự thêm các khoản hoạt động và công trình của IS vào các điều khoản. Bên cạnh đó, chúng sẽ giám sát để đảm bảo mọi công trình được hoàn thiện với chi phí cao hơn mức cần thiết – qua đó thu lợi riêng cho tổ chức.
IS vẫn chưa ngừng hoạt động mở rộng lãnh thổ. Xung quanh Deir Ezzor, giữa lúc Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) tạm ngừng tiến công, IS bắt đầu tìm cách chiếm lại các mỏ dầu.
Theo báo cáo từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào tháng 7, IS đã giành lại quyền kiểm soát mỏ dầu ở đông bắc Syria và bắt đầu khai thác dầu để sử dụng và bán cho người dân địa phương.
Với khả năng tận dụng khối tài sản vốn có và năng lực kiếm tiền trong tương lai, IS được cho là sẽ tái hợp và quay trở lại tấn công khủng bố. Dọc vùng Kirkuk tại miền bắc Iraq, nhóm phiến quân đã xây dựng các căn cứ giả để tập kích lính Iraq.
Tại các vùng khác ở Iraq, bao gồm Diyala và Saladin, lực lượng ngầm IS vẫn hoạt động tích cực trong việc thu thập thông tin giám sát, tình báo và tạo lập các nhóm phiến quân quy mô nhỏ. Mặc dù bị Mỹ không kích, quân khủng bố tiếp tục trà trộn và hoạt động tại Hajin – phía bắc Abu Kamal – và Dashisha tại Syria.
Phương Tây vẫn chia các trận chiến chống IS thành những giai đoạn tách biệt – phụ thuộc vào chính quyền đương nhiệm và những sự thay đổi trong chính sách của từng nước. Nhưng đối với nhóm khủng bố IS, đây chỉ là một cuộc chiến lâu dài, khởi nguồn từ những ngày đầu được phát động bởi thủ lĩnh Abu Musab al-Zarqawi.
Hiện tại, IS sẽ lặp lại các chiến lược kinh tế và quân sự để giành lại ảnh hưởng trong khu vực và có khả năng cao sẽ hồi sinh tham vọng xây dựng Nhà nước Hồi giáo tự xưng tại vùng Trung Đông trong tương lai gần.
Theo Thời đại