GIAN LẬN THI CỬ… ĐÃ ĐẾN LÚC TRẢ LẠI NIỀM TIN CỦA NHÂN DÂN BẰNG SỰ CÔNG TÂM

0
729

Ông Vũ Trọng Lương, Phó trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang được giao phụ trách những khâu kỹ thuật thi của cả một tỉnh, trong một kỳ thi cực kỳ quan trọng, đáng lẽ ông phải là người giám sát, thực thi nghiêm túc nhiệm vụ, đảm bảo công bằng cho các thí sinh, nhưng ông đã bất chấp, chà đạp, coi thường kỷ cương phép nước để đổi trắng thay đen, “hô biến”, nâng điểm hơn 300 bài thi cho 114 thí sinh. Đây là vụ gian lận thi cử gây hậu quả rất lớn cho xã hội.

Cay đắng và phẫn nộ

Kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi lớn nhất trong năm cả về quy mô và sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Kỳ thi có ảnh hưởng lớn đến hàng triệu gia đình ở Việt Nam, vì ngoài mục tiêu để xét tốt nghiệp, kết quả của kỳ thi còn được các trường đại học sử dụng để xét tuyển. Kỳ thi “2 trong 1” này cũng đã tạo được nhiều điểm nhấn tích cực, thi cử nhẹ nhàng hơn rất nhiều, giảm chi phí, giảm tốn kém cho xã hội.

Nhưng hành vi của ông Vũ Trọng Lương đã làm “hỏng” kỳ thi, ông đã bước qua ranh giới đạo đức của một nhà giáo, một công dân để cướp trắng quyền lợi chính đáng của biết bao thí sinh, “phù phép” cho những thí sinh yếu kém lọt tốp thí sinh có điểm thi cao nhất nước. Hành động vi phạm pháp luật nghiêm trọng của ông đã làm cho dư luận nổi giận.

Trong số đó, có bao phụ huynh đã ròng rã trong nhiều năm tháng, chắt chiu tiền bạc, tập trung tất cả sức lực, tiền của để dồn cho các con ôn luyện; biết bao phụ huynh ở những vùng quê nghèo khó đã phải bán thóc, bán vật nuôi trong nhà, để đủ tiền cho con dùi mài kinh sử. Có cả những ông bố chỉ làm nghề xe ôm, nhân viên môi trường đi thu dọn rác, nhưng họ vẫn dành dụm những đồng lương bé nhỏ, nuôi hy vọng, đầu tư cho con để con được bước chân vào giảng đường đại học.

Một chị bạn của tôi chỉ trong một tuần ngóng trông kết quả của con trong kỳ thi này, chị đã sút 5 kg và tóc thêm nhiều sợi bạc. Biết bao người mẹ sẵn sàng nghỉ việc, ở nhà chỉ để đưa đón con đi học thêm, bởi họ đã xác định “cuộc chiến khốc liệt thi cử” đang chờ đón con họ, khi có những trường, điểm đỗ phải từ 27 điểm.

Một anh bạn làm giáo viên dạy Toán ở Hà Nội, đã chua chát nói với tôi: “Đêm qua học trò của anh nhắn tin, thầy ơi, em được 7 điểm, thầy cứ trách em không cẩn thận, dù em đã làm hết sức, làm em khóc mãi. Nay vụ Hà Giang chúng em buồn quá, liệu có còn bao nhiêu Hà Giang nữa thầy?”.

Còn một chị bạn của tôi – cũng là phóng viên theo dõi giáo dục, bức xúc kể: “Con chị một tháng mất gần 10 triệu đồng học tăng cường, một thầy một trò, học đêm học ngày. Một tuần cuối trước khi thi, nó gần như thức trắng đêm, đến mức chị phải quỳ xin con đừng thế. Chị sợ con gục ngã. Vậy vì sao họ lại dám nâng điểm một cách “dã man” vậy, để một vài học sinh từ yếu kém trở thành “thủ khoa” chỉ trong chốc lát. Công lý ở đâu?”.

Sự việc đau lòng này đã khiến ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lí chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo phải thốt lên, “đây là điều vô cùng xấu xí”.

Có vô vàn những câu hỏi day dứt, nhức nhối đã được đặt ra sau vụ Hà Giang: Một mình ông Vũ Trọng Lương có đủ sức “hô biến” hơn 300 bài thi chỉ trong 2 tiếng đồng hồ? Ai giúp sức, “bảo kê” cho ông Lương làm việc đó một cách trắng trợn? Liệu có “một đường dây”, “một tập thể có tổ chức” phía sau ông Lương hay không? Trong số 114 thí sinh, bao nhiêu thí sinh là “con ông cháu cha” tỉnh nhà?

Ông Lương nhận được bao nhiêu tiền từ những ca “vẽ” điểm này? Đó là những đòi hỏi chính đáng từ công luận, yêu cầu công lý phải được thực thi. Và chắc chắn, sự vào cuộc riết róng của các cơ quan chức năng sẽ trả lời được các câu hỏi đó.

Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lí giáo dục Hà Nội nhận xét rằng, “thật đau lòng khi người ta không thắng nổi nhóm lợi ích, sẵn sàng hy sinh cả danh dự, đạo đức, và trở thành tấm gương xấu cho cả thế hệ trẻ”. Giáo sư Phạm Tất Dong chua xót, những gian dối trong giáo dục có thể giết chết nhiều thế hệ. Sau tất cả những cảm xúc căm phẫn là một cảm giác đổ vỡ đến chua xót, bởi niềm tin vào tính “an toàn, nghiêm túc” của kỳ thi “2 trong 1” đã không còn nguyên vẹn.

Trong chúng ta đều dấy lên hoài nghi về sự trung thực mà lâu nay ngành giáo dục đang tích cực đưa vào các bài giảng đạo đức trong nhà trường…

Đoàn Công tác của Bộ giáo dục & đào tạo kiểm tra các túi đựng bài thi tại Hà Giang.

Khi sự gian dối được tiếp tay bởi những lỗ hổng chết người

Khi điểm thi bất thường của Hà Giang “bại lộ” cũng là lúc chúng ta đã tỉnh giấc và thấm thía. Người đứng đầu ngành giáo dục cũng đã thừa nhận, “sự việc Hà Giang là cảnh tỉnh đối với những người làm công tác tổ chức thi”.

Khách quan thì quy trình của Bộ GD & ĐT tổ chức kỳ thi, từ khâu làm đề, đến coi thi, chấm thi khá bài bản, chặt chẽ. Đặc biệt, Bộ đã tăng cường giải pháp kỹ thuật để đảm bảo kỷ cương trường thi. Đó là “niêm phong túi đựng bài thi” bằng tem chuyên dụng, mỏng, dễ rách, ngoài chữ ký của cán bộ coi thi, trên tem niêm phong còn có chữ ký, họ tên của trưởng điểm thi, phó trưởng điểm thi đến từ các trường ĐH, CĐ. Nhưng rốt cuộc, vượt qua “những giải pháp kỹ thuật” đó, ông Vũ Trọng Lương vẫn “lách luật” để nâng ồ ạt điểm thi.

Từ đây, những lỗ hổng của kỳ thi THPT quốc gia đã lộ diện, cho thấy quy chế tổ chức thi chưa thực sự an toàn, vì an toàn là phải làm sao cho người ta muốn làm mà không làm được. Khi nói chuyện với chúng tôi, một thầy giáo có chuyên môn về thống kê và xử lý số liệu cho hay, thi trắc nghiệm là do máy chấm, nhưng tất cả các khâu giám sát lại do con người nên nếu hội đồng chấm thi có sự thông đồng để sửa bài thi trước khi đưa vào máy quét, cũng là điều có thể xảy ra.

Còn theo TS. Quách Tuấn Ngọc, phiếu trả lời trắc nghiệm hoàn toàn không có phách, đây là một lỗ hổng cực kỳ lớn. Điều này đã được ông “nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi còn công tác tại Bộ Giáo dục và Đào tạo”. Thời thi theo hình thức “3 chung”, các môn thi thi tự luận, việc sửa bài thi là rất khó, đơn giản vì có rọc phách.

“Nếu dồn túi 2 lần thì “thánh” cũng không biết bài nào của ai mà sửa. Còn nếu vẫn sử dụng phiếu trả lời đó, việc chấm thi nên để trường ĐH tổ chức chấm, “vì họ không dính đến con cháu nào cả, hoặc nếu có thì hãn hữu xảy ra”. Hiện khâu chấm thi đang thực hiện ở địa phương, dù có thanh tra giám sát thì vẫn là “tỉnh nào chấm bài thi của tỉnh đó, nên quy trình đó là chưa hoặc không phù hợp, nhất là khâu chấm, kiểm dò” – TS. Quách Tuấn Ngọc bày tỏ…

Trước kỳ thi, Bộ cho biết có 4.000 thanh tra cắm chốt tại các điểm thi. Nhưng sự việc nâng điểm ở Hà Giang có trách nhiệm của hai cán bộ đến từ ĐH Tân Trào (Tuyên Quang) được Thanh tra Bộ ủy quyền giám sát, họ đã vắng mặt ở những khâu cực kỳ quan trọng của chấm thi.

Thêm nữa, một cán bộ của Học viện Ngân hàng được giao nhiệm vụ cùng giám sát chấm thi trắc nghiệm ở Hà Giang, anh ta nói “có mặt 24/24 giờ”, nhưng “vì không được tập huấn phần mềm, không được tập huấn thao tác kỹ thuật nên họ làm gì tôi cũng không biết”. Phải chăng, chính sự vô trách nhiệm, coi thường tính chất quan trọng của kỳ thi của hai cán bộ ĐH Tân Trào, cùng với sự “non kém về nghiệp vụ giám sát” của một cán bộ Học viện Ngân hàng, đã tạo điều kiện cho Vũ Trọng Lương làm điều phi pháp?

Trong buổi họp tối 19-7, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nói rằng, “kỹ thuật tới mức nào thì vẫn dưới sự vận hành của con người. Con người mà không có tâm trong sáng, thiếu trách nhiệm thì kỹ thuật đến mấy cũng có thể làm sai lệch kết quả”. Như vậy, khâu con người, khâu lựa chọn cán bộ vào những vị trí quan trọng của kỳ thi có lẽ vẫn là khâu quan trọng nhất.

Hiện vụ án nâng điểm ở Hà Giang đã được cơ quan An ninh điều tra khởi tố, điều tra sáng tỏ trước pháp luật đảm bảo sự nghiêm minh, công bằng của khoa cử. Hai đoàn công tác của Bộ GD & ĐT cũng đã đến Lạng Sơn, Sơn La để khẩn trương rà soát, kiểm tra xác minh lại điểm thi với một tinh thần “không có vùng cấm”, rất quyết liệt và dám đối diện, nhằm trả lại công bằng cho hàng trăm ngàn thí sinh và lấy lại niềm tin cho người dân. Chúng ta chờ đợi và tin tưởng vào một kết quả điều tra công tâm, trong sáng nhất…

THU PHƯƠNG – BÁO CAND ONLINE

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Điền tên của bạn