Hàng trăm tài xế dự phiên tòa taxi truyền thống kiện taxi công nghệ

0
669

Có hàng trăm tài xế của hãng Vinasun đã đến tòa theo dõi vụ kiện. Do số lượng tài xế khá đông nên HĐXX bố trí những người này theo dõi vụ án qua màn hình bên ngoài phòng xử.

Căn cứ gì Vinasun khởi kiện đòi bồi thường hơn 40 tỷ đồng?

Sau 2 ngày xét xử, chiều 7/2, TAND TPHCM đã tạm ngừng phiên toà xét xử sơ thẩm vụ kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam – đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab).

Theo HĐXX, vụ án cần thu thập, bổ sung thêm tài liệu, chứng cứ để xem xét toàn diện khách quan. Về thời gian mở lại phiên toà, HĐXX cho biết sẽ thông báo sau.

Có hàng trăm tài xế đến tòa ủng hộ Vinasun kiện Grab Taxi.

Theo luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Vinasun, từ năm 2014 đến nay, Grab đã thực hiện nhiều thủ đoạn kinh doanh trái luật, gây thiệt hại trực tiếp rất nghiêm trọng cho Vinasun nên Vinasun khởi kiện yêu cầu Grab bồi thường.

Luật sư Vinasun dẫn chứng văn bản trả lời của Sở kế hoạch và đầu tư TPHCM trả lời về nội dung ngành nghề trong đăng ký doanh nghiệp của Grab thể hiện: vận tải hành khách đường bộ trong nội thành, ngoại thành, vận tải hành khách đường bộ khác; công văn của Bộ Công thương gửi Văn phòng Chính phủ khẳng định “cần sửa luật để khẳng định rõ các doanh nghiệp như Uber, Grab chính là doanh nghiệp kinh doanh vận tải và phải quản lý như taxi”.

Đồng thời, luật sư Vinasun cũng nêu, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT năm 2018 trong cuộc họp với Tổng cục đường bộ là phải quản lý Uber, Grab như taxi truyền thống. Phán quyết ngày 20/12/2017 của Toà Công lý Châu Âu nhấn mạnh, dịch vụ Uber vốn dĩ liên quan đến dịch vụ vận tải. Trong khi đó tại toà, Grab cũng khẳng định mình kinh doanh tại Việt Nam với hình thức tương tự như Uber.

Theo luật sư Vinasun, Grab là doanh nghiệp đang kinh doanh vận tải như Vinasun. Bởi Grab tự quyết định giá cước vận chuyển; quyết định các chương trình khuyến mại về giá cước vận chuyển; nhận tiền thanh toán cước vận chuyển từ khách hàng đi taxi sử dụng thẻ dịch vụ Grab; có chế độ thưởng, phạt tài xế, kiểm soát hành vi, thái độ của tài xế với khách hàng đi taxi; mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho khách hàng đi Grab.

Từ những đặc điểm nêu trên, luật sư Vinasun cho rằng Grab đã thông qua việc sử dụng phần mềm kết nối vận tải, Grab chính là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận chuyển, kiểm soát quy trình vận chuyển hành khách, giá khuyến mại. Còn các Hợp tác xã, doanh nghiệp mà Grab ký hợp đồng hợp tác chỉ là các bên danh nghĩa.

Grab đề nghị đình chỉ vụ án

Tranh luận lại với phía Vinasun, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Grab cho rằng, đây là vụ kiện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Và để yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Vinasun phải cung cấp chứng cứ để chứng minh yêu cầu khởi kiện của họ đáp ứng đầy đủ các điều kiện như: Grab có hành vi vi phạm pháp luật; Vinasun có thiệt hại thực tế; Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật và thiệt hại.

Đại diện cho Grab Taxi tham dự phiên toà
Đại diện cho Grab Taxi tham dự phiên toà

Đối với cáo buộc của Vinasun cho rằng Grab có hoạt động kinh doanh vận tải, kinh doanh taxi trái pháp luật, luật sư bên Grab cho rằng bị đơn có vi phạm thì bên xem xét, xử lý vi phạm là Bộ GTVT. Nhưng tại toà, Vinasun chưa cung cấp được văn bản quyết định của cơ quan quản lý về giao thông vận tải về hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh vận tải, kinh doanh taxi đối với Grab.

Đối với cáo buộc rằng Grab thực hiện không đúng đề án 24 thí điểm của Bộ GTVT, Grab cũng lập luận, việc xác định, đánh giá hoạt động của Grab có tuân thủ đúng đề án thí điểm hay không là thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT. Nếu cho rằng hoạt động kinh doanh của Grab taxi gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh của Vinasun thì Vinasun phải khiếu nại quyết định cho phép đề án thí điểm lên Bộ trưởng Bộ GTVT hoặc khiếu kiện hành chính.

Đối với cáo buộc rằng Grab vi phạm pháp luật về khuyến mại, luật sư của Grab cho rằng việc xem xét hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh. Việc xem xét hành vi khuyến mại có đúng luật hay không thuộc thẩm quyền xem xét của cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Công thương. Đồng thời, Vinasun chưa cung cấp được bất kỳ quyết định xử phạt nào của các cơ quan có thẩm quyền về các hành vi này đối với Grab.

Đối với việc xác định thiệt hại thực tế hơn 41,2 tỉ đồng mà Vinasun yêu cầu bồi thường, luật sư của Grab lập luận, thiệt hại về lợi nhuận mà Vinasun đưa ra không thuộc các trường hợp thiệt hại thuộc đối tượng có thể yêu cầu bồi thường trong vụ án về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Chứng cứ về thiệt hại mà Vinasun đưa ra là dựa trên báo cáo nghiên cứu thị trường chưa được cơ quan có thẩm quyền thừa nhận nên không thể được coi là căn cứ để xác định thiệt hại.

Từ đó, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho Grab đề nghị HĐXX bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn hoặc đình chỉ vụ án.

Sau phần tranh luận giữa các bên, HĐXX quay lại phần xét hỏi. Theo đó, chủ toạ phiên toà hỏi lại đại diện Grab về việc giá dịch vụ vận chuyển của hãng do ai đưa ra, dựa vào đâu mà giá cả thay đổi liên tục.

Đại diện Grab trả lời: “Giá từ điểm A-B do hợp tác xã đưa ra. Căn cứ của việc thay đổi giá là do thời gian, thời tiết và theo đơn giá do HTX cung cấp”.

Để làm rõ những vấn đề trên, HĐXX đã quyết định tạm ngưng xét xử vụ án để các bên cung cấp thêm chứng cứ.

Xuân Duy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Điền tên của bạn