Độc đáo nghề đan nón lá của dân tộc Nùng

4
8945

Với người dân tộc Nùng ở huyện Quảng Uyên, chiếc nón lá là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Dù không còn phát triển như xưa, nhưng nghề làm nón lá của người dân tộc Nùng nơi đây vẫn còn tồn tại và được giữ gìn.

Các cụ ông xóm Cốc Coóc, xã Tự Do đan nón lá.
Đến huyện Quảng Uyên những ngày này, ngoài bức tranh yên bình, ấm áp của vùng núi non phong cảnh hữu tình không thể thiếu hình ảnh chiếc nón lá giản dị của người dân tộc Nùng nơi đây.
Nón lá của dân tộc Nùng rất khác với nón lá ở một số địa phương khác. Không chỉ khác về hình thức mà còn khác về cách làm và nguyên liệu. Để làm ra một chiếc nón hoàn chỉnh cần trải qua nhiều công đoạn và mất khá nhiều thời gian. Khung nón đan bằng tre và có hai lớp, một lớp ngoài và một lớp trong. Lớp bên ngoài được đan cẩn thận, không để lộ một mấu nối nào ra ngoài. Sau đó trải đều lá mai, lá chuối bên trong lớp khung ngoài đó, ép chặt rồi cố định lớp khung thứ hai lên. Một chiếc nón đẹp là có khung ngoài được tạo dáng tròn, bè, các mắt đan đều nhau, lớp lá bên trong dàn đầy đặn, chắc chắn. Vì lá mai không có sẵn như lá tre hay lá chuối nên người thợ làm nón phải đi hái lá mai trong rừng hoặc tìm những bản làng xung quanh có trồng cây mai. Lá mai, lá chuối lấy về đều được bó thành từng bó nhỏ rồi xếp trên gác bếp hong khô cho đến khi lá ngả màu nâu, không còn giữ nước và giữ độ dai nhất định. Những chiếc nón lá sau khi hoàn thành công đoạn cuối cùng tiếp tục được hong khô trên gác bếp, điều này giúp cho chiếc nón không bị mối, mọt, có độ bền lâu, trời nắng không bị cong vênh, trời mưa không bị thấm nước. Có lẽ chính vì sự cẩn thận tỉ mỉ, kỳ công như vậy mà chiếc nón lá của người dân tộc Nùng ngày càng ít, người biết làm nón chỉ có các cụ cao tuổi, bởi còn yêu nghề và muốn gìn giữ nét văn hóa của dân tộc nên họ cố bám trụ với nghề và mong muốn truyền lại cho con cháu kỹ thuật đan nón của tổ tiên.
Những chiếc nón lá được hong khô trên gác bếp.

Ông Nông Văn Lầu, 77 tuổi, dân tộc Nùng, đã làm nghề đan nón lá được 45 năm, chia sẻ: Nghề này có từ khi nào thì không ai biết rõ, các cụ bảo cứ cha truyền con nối, nhưng thế hệ các con, các cháu tôi bây giờ không ai thích đan nón lá. Tôi già rồi, không làm được việc nặng nhọc nên cố đan nón vừa để giữ nghề truyền thống và tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Người dân chọn mua nón lá.
Chiếc nón lá do đôi bàn tay chai sần của những người thợ làm ra đang tiếp tục đi đến những phiên chợ, bầu bạn với người dân vùng núi cao, giúp che mưa, nắng và hiện hữu như là một minh chứng cụ thể cho những nét độc đáo của đất và người nơi đây.
Phan Huế – Cao Bằng Online

4 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Điền tên của bạn