Tình trạng quà cáp, chúc Tết giảm mạnh

0
512

Thủ tướng nêu vấn đề này tại phiên họp thường kỳ tháng 2-2018.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Tại phiên họp thường kỳ ngày 1-3-2018, Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm đạt kết quả khả quan, tình hình đón Tết nguyên đán an toàn, tiết kiệm, nhân dân phấn khởi, vững tin.

Các địa phương đã tổ chức chuyển quà tặng Tết của Chủ tịch nước đến gần 1,9 triệu đối tượng người có công với tổng kinh phí hơn 386 tỷ đồng; chuyển cấp phát gần 12.000 tấn gạo dịp Tết Nguyên đán theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho đối tượng chính sách và người có công.

Các địa phương đã bố trí kinh phí hỗ trợ khoảng trên 2.852 tỷ đồng với 4,7 triệu suất quà để thăm hỏi, tặng quà, động viên người và gia đình có công với cách mạng, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các y bác sĩ, nhân viên y tế làm nhiệm vụ trực Tết, cũng như quan tâm, hỗ trợ công nhân, người lao động khó khăn và Nhân dân ăn tết vui vẻ. Tình trạng chúc Tết, quà cáp giảm mạnh.

Đặc biệt, ngay sau Tết, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt các công việc với tinh thần không để “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Công tác tổ chức lễ hội trên phạm vi toàn quốc đã được chấn chỉnh, có sự kiểm soát chặt chẽ hơn so với các năm trước; các lễ hội có hành vi phản cảm đã giảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 0,73%, bình quân hai tháng tăng 2,90% (cùng kỳ tăng 5,12%). Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh ước đạt 33,62 tỷ USD, tăng 22,9%; đặc biệt là xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 25,7%, cao hơn mức tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (21,8%); xuất siêu 1,08 tỷ USD (cùng kỳ nhập siêu gần 50 triệu USD).

Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước và quốc tế để kịp thời có những phản ứng chính sách phù hợp. Chính phủ yêu cầu đặc biệt lưu ý bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững;  phải có những chuyển biến rõ nét, thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện các đột phá chiến lược và xử lý nợ xấu, cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Cần lưu ý sức ép lạm phát năm nay sẽ lớn hơn khi mà giá dầu thô, giá hàng hóa trên thị trường thế giới có xu hướng tăng và chúng ta hấp thụ một lượng ngoại tệ lớn từ FDI, từ đầu tư gián tiếp, kiều hối, do đó cần các giải pháp cụ thể đối với vấn đề này, kể cả việc điều chỉnh lộ trình giá thị trường một cách phù hợp, đặc biệt là điện, nước, giáo dục, y tế cần được tính toán kỹ.

Chính phủ tiếp tục coi công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là ưu tiên hàng đầu trong năm 2018 và các năm tiếp theo; đẩy mạnh rà soát các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật nào không còn phù hợp, cản trở đối với phát triển kinh tế – xã hội thì cần phải sửa ngay nhằm tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành Luật quy hoạch, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Từng Bộ ngành và các địa phương phải có kế hoạch, biện pháp cụ thể triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chủ đề của năm 2018 “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”,  để năm 2018 đất nước sẽ có nhiều chuyển biến rõ nét theo hướng phát triển nhanh và bền vững; nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh. Người đứng đầu Bộ ngành, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tổ chức triển khai và kết quả thực hiện” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý.

Cũng tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ đã nhắc các Bộ khẩn trương chuẩn bị nội dung, chương trình để thời gian sắp tới tổ chức các Hội nghị chuyên đề bàn về những giải pháp, quyết sách chỉ đạo tầm quốc gia. Hội nghị bàn các giải pháp: Thúc đẩy thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; cải thiện, nâng cao năng suất, chất lượng lao động; các giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu; phát triển công nghiệp hỗ trợ; phát triển thị trường vốn, tài chính trong điều kiện cách mạng 4.0; đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước; giải pháp tích tụ, tập trung đất đai đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp quy mô lớn…

Các thành viên Chính phủ cũng bàn về 5 dự án luật (Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá; dự án Luật Trồng trọt; dự án Luật Chăn nuôi; dự án Luật Quản lý phát triển đô thị; dự án Luật Dân số).

Tại phiên họp báo chiều cùng ngày, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, với tư cách Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã báo cáo về tình hình các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng giao và kết quả kiểm tra của Tổ công tác tháng 2/2018. Theo đó, từ ngày 1-1-2017 đến 28-2-2018, có tổng số 25.385 nhiệm vụ giao. Trong đó, có 13.311 nhiệm vụ đã hoàn thành (đúng hạn: 11.148, quá hạn: 2.163); 12.074 nhiệm vụ chưa hoàn thành (trong hạn: 11.765, quá hạn: 309 – chiếm 2,26%).

Trong tháng 2, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng đã tiến hành kiểm tra 16 bộ trong việc cắt giảm danh mục sản phẩm, hàng hóa, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành điều kiện kinh doanh.

Nguyễn Thành

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Điền tên của bạn