Những cái nhìn sai trái về nền giáo dục Việt Nam

0
505

Cùng với sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, những năm qua, giáo dục Việt Nam có những chuyển động tích cực và chuyển biến tiến bộ về nhiều mặt. Chính những thành tựu to lớn về giáo dục không chỉ là một trong những động lực thúc đẩy đất nước đi lên, mà góp phần làm cho diện mạo đời sống xã hội ngày càng khởi sắc.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, lợi dụng một số vụ việc đơn lẻ xảy ra trong ngành giáo dục, một số người có cái nhìn chưa khách quan, toàn diện, thậm chí phủ nhận những thành tựu của nền giáo dục Việt Nam.

Những liên tưởng sai trái và sự xuyên tạc trơ trẽn

Những ngày gần đây, xã hội nói chung, những người tâm huyết với sự nghiệp “trồng người” nói riêng không khỏi băn khoăn, chạnh lòng khi nghe thông tin về trường hợp một nữ giáo viên bậc tiểu học ở tỉnh Long An bị phụ huynh tạo áp lực phải quỳ gối trước học sinh trong vòng 40 phút. Đây là một vụ việc hi hữu, rất đáng lên án vì nó làm tổn thương nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm giá của các thầy, cô giáo. Sau khi vụ việc xảy ra, các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ tính chất, mức độ, hậu quả vụ việc để có hướng xử lý phù hợp. Người gây áp lực bắt nữ giáo viên phải quỳ đã bị khai trừ ra khỏi Đảng.

Trong khi nhiều cơ quan báo chí, nhiều luật sư, nhiều nhà giáo lên tiếng kịp thời, phân tích thấu đáo, bình luận có lý, có tình nhằm giúp công luận có một cái nhìn đúng đắn, khách quan về vụ việc, thì đáng tiếc vẫn có những ý kiến nhìn nhận vấn đề mang nặng tính áp đặt chủ quan, thiếu thiện chí, thiếu nhân văn, thậm chí đánh đồng hiện tượng với bản chất theo kiểu “vơ đũa cả nắm”, từ đó có những liên tưởng, suy diễn không đúng mực về nhà giáo, về ngành giáo dục Việt Nam. Cá biệt có trường hợp lợi dụng vài ba vụ việc đơn lẻ xảy ra trong hoạt động giáo dục để xuyên tạc mục tiêu, bản chất tốt đẹp của nền giáo dục cách mạng Việt Nam. Ví như họ coi ngành giáo dục là “ngành ăn mày xã hội”, viễn cảnh giáo dục Việt Nam như một bức màn “màu đen xám xịt”, đó là “nền giáo dục ngu dân do độc đảng cai trị” (!).

Viết về giáo dục mà bằng những lời lẽ vô văn hóa, phản giáo dục như vậy đã bộc lộ rõ “tim đen” của những người bình luận. Mặt khác, cách nhìn nhận, đánh giá về giáo dục Việt Nam kiểu đó chẳng khác nào cách liên tưởng bằng con mắt “mù màu”, bằng những lời xuyên tạc trơ trẽn. Vì thế, không những không được hầu hết người dân Việt Nam chấp thuận, mà cũng khó có thể làm lung lay nền tảng vững chắc của nền giáo dục cách mạng Việt Nam đã được vun trồng, bồi đắp bền bỉ hơn 7 thập niên qua dưới chế độ giáo dục XHCN đầy tính nhân văn, ưu việt.

Những gam màu tươi sáng của giáo dục Việt Nam

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, suốt 73 năm qua kể từ khi nước Việt Nam giành được độc lập, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam ngày càng quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, vì giáo dục liên quan đến sức mạnh, sự trường tồn, hưng thịnh của quốc gia. Đảng ta nhiều lần khẳng định, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển. Vì vậy, trong từng thời kỳ cách mạng, giáo dục Việt Nam luôn có sự cải cách, đổi mới để theo kịp sự phát triển của thời đại và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ giữa thế kỷ 20 đến nay, Việt Nam đã tiến hành nhiều cuộc cải cách giáo dục. Năm 1950, trong hoàn cảnh nước nhà còn muôn vàn khó khăn, nhưng cuộc cải cách giáo dục lần đầu tiên đã nhằm mục tiêu xây dựng một nền giáo dục của dân, do dân và vì dân; đến năm 1956, cải cách giáo dục lần thứ hai hướng tới đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ thành những công dân tốt, có đức có tài; đến lần thứ ba năm 1981, cuộc cải cách giáo dục toàn diện hơn, đồng bộ hơn nhằm tạo bước chuyển biến mới về hệ thống giáo dục, nội dung và phương pháp dạy học. Hiện nay, chúng ta đang khẩn trương tiến hành một “cuộc cách mạng” về giáo dục với việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW khóa XI của Đảng, bảo đảm cho giáo dục Việt Nam phát triển theo định hướng XHCN, hội nhập quốc tế, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo lộ trình, còn khoảng một năm rưỡi nữa, tức là bắt đầu từ năm học mới 2019-2020, chính thức triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc tiểu học.

Một trong những thành tựu lớn nhất trong hơn 30 năm đổi mới được cộng đồng quốc tế ghi nhận là nền giáo dục Việt Nam có sự phát triển cả về lượng và chất. Chúng ta không chỉ hoàn thành mục tiêu đưa hầu hết trẻ em đúng độ tuổi được đến trường học tập và đến nay cơ bản hoàn thành phổ cập THCS ở khắp các địa phương trong cả nước, mà chất lượng giáo dục cũng ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực ở tất cả đối tượng học sinh và các cấp học, bậc học. Điều này được bà Irina Bokova, Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) nhìn nhận trong chuyến thăm Việt Nam vào dịp tháng 8-2017: “Trong lần thứ ba đến Việt Nam, tôi thấy Việt Nam có nhiều thay đổi, nhất là sự phát triển tích cực về kinh tế cũng như chất lượng giáo dục, trong đó có thành tựu về đào tạo giáo viên và thúc đẩy sự công bằng, bình đẳng về giáo dục”.

Không ngẫu nhiên mà người đứng đầu UNESCO ghi nhận về thành tựu giáo dục Việt Nam như vậy. Vài dẫn chứng sau đây phần nào minh chứng điều đó. Đến nay, các trường đại học ở Việt Nam đã có hơn 500 chương trình đào tạo quốc tế với các trường đại học ở nhiều nước trên thế giới; chưa kể hàng chục chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao, cử nhân tài năng, chương trình tiên tiến theo chuẩn quốc tế, chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng (POHE)… Những năm gần đây, Việt Nam cũng trở thành một trong những điểm sáng trên bản đồ giáo dục thế giới khi đăng cai và tổ chức thành công nhiều kỳ thi quốc tế, như: Olympic Vật lý châu Á 2004, Olympic Toán học quốc tế 2007, Olympic Vật lý quốc tế 2008, Olympic Hóa học quốc tế 2012, Olympic Sinh học quốc tế 2016. Đặc biệt, thành tích của các đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế cũng rất nổi bật, được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ. Năm 2017, đội tuyển Olympic quốc tế các môn Toán, Vật lý, Hóa học của Việt Nam được đánh giá là giành thành tích cao nhất trong lịch sử tham dự Olympic bởi cả số lượng, chất lượng huy chương mang về cho Tổ quốc. 4/4 thí sinh dự thi Olympic Hóa học đều giành huy chương (gồm 3 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc). Đội tuyển Olympic Vật lý Việt Nam đoạt 4 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, đứng thứ 5/86 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga và Singapore. 6/6 thí sinh Việt Nam đều giành huy chương (4 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng) cuộc thi Olympic Toán học quốc tế, xếp thứ 3/112 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, chỉ sau Hàn Quốc và Trung Quốc. Đó là minh chứng sinh động thể hiện giáo dục Việt Nam đang chủ động hội nhập thế giới, không ngừng tiếp cận chuẩn mực giáo dục quốc tế để làm mới, làm giàu cho nền giáo dục của quốc gia mình. Đó cũng là gam màu tươi sáng thể hiện bức tranh giáo dục Việt Nam đang trên đà khởi sắc.

Đối với nhà giáo, từ lâu dân tộc Việt Nam đã có truyền thống tôn sư trọng đạo, mọi người, mọi nhà luôn trân trọng những người làm nghề dạy học. Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chính sách hợp lý để bảo đảm cho đội ngũ nhà giáo yên tâm gắn bó với nghiệp “trồng người”, góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục nước nhà phát triển. Hầu hết các thầy, cô giáo đều yêu nghề, yêu người, không ngừng rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả của mình, xứng đáng với lòng tin của toàn xã hội. Những thành tựu của giáo dục Việt Nam thời gian qua có một phần đóng góp quyết định của đội ngũ nhà giáo trên khắp mọi miền đất nước.

Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa nền giáo dục Việt Nam chỉ toàn “màu hồng”, mà Việt Nam cũng đang gặp những khó khăn, thách thức phải vượt qua. Điều này đã được Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định sâu sắc tại Nghị quyết 29-NQ/TW khóa XI, từ đó đưa ra những giải pháp căn cơ, đồng bộ để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà trong thời gian tới.

THIỆN VĂN

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Điền tên của bạn