Với mong muốn mang đến cho độc giả một tài liệu tham khảo quý, một góc nhìn đa diện về cuộc chiến tranh Việt Nam qua con mắt của chính người Mỹ tham chiến, Nhà xuất bản CAND giới thiệu cuốn hồi ký chính trị “Tài liệu mật: Hồi ký về cuộc chiến tranh Việt Nam và vụ tiết lộ Hồ sơ Lầu Năm Góc”.
“Tài liệu mật: Hồi ký về cuộc chiến tranh Việt Nam và vụ tiết lộ Hồ sơ Lầu Năm Góc” của tác giả Daniel Ellsberg. Sách do dịch giả Quang Dzoãn chuyển ngữ.
Từ một sĩ quan nghiên cứu chiến lược của Lầu Năm Góc, Daniel Ellsberg trở thành người khiến “cả nước Mỹ kinh hoàng” và bị giới cầm quyền Mỹ lúc ấy xem là “người nguy hiểm nhất nước Mỹ” khi ông công bố những tài liệu tuyệt mật phơi bày những dối trá của chính phủ Mỹ về cuộc chiến tranh Việt Nam.
Ellsberg sinh ngày 7-4-1931, tốt nghiệp đại học và lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại trường đại học danh tiếng Harvard; có 3 năm phục vụ trong lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ; là một chuyên gia phân tích chiến lược tại RAND – một tổ chức chuyên nghiên cứu về chính sách quân sự cho chính phủ Mỹ; là chuyên viên nghiên cứu chiến lược của Bộ Quốc phòng và Nhà Trắng. Năm 1964, Ellsberg gia nhập Bộ Quốc phòng Mỹ với tư cách là Trợ lý Đặc biệt cho John McNaughton – trợ lý cho Bộ trưởng Quốc phòng McNamara.
Sau 2 năm sang công tác ở Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn, tận mắt chứng kiến những gì đang diễn ra, quan điểm của Ellsberg đã thay đổi từ chỗ đánh giá Việt Nam là một “vấn đề cần giải quyết” thành “đó là một bãi lầy” mà Mỹ cần rút khỏi. Ông quay trở lại RAND năm 1967, phục vụ cho một dự án nghiên cứu tối mật của McNamara về Việt Nam giai đoạn 1945-1968.
Sau khi đọc hết toàn bộ 7.000 trang tài liệu tuyệt mật (sau này nổi tiếng với tên gọi “Tài liệu Lầu Năm Góc”), Ellsberg hiểu ra rằng cuộc chiến tranh Việt Nam thực chất là một cuộc chiến do Mỹ khơi mào và được duy trì qua bốn đời tổng thống liên tiếp, mặc dù họ đều biết đây là một cuộc chiến “không thể thắng” và lý do là họ vì không muốn “mất mặt”.
Qua những gì trực tiếp được đọc, được thấy, được nghe, Ellsberg kết luận cuộc chiến tại Việt Nam không chỉ là một “bãi lầy” hay “một mục đích cao cả sai lầm”, mà còn là một tội ác – một cuộc tàn sát tập thể. Cũng trong thời gian này, Ellsberg gặp gỡ nhiều nhà hoạt động phản chiến, những người ủng hộ các giải pháp hòa bình và chịu ảnh hưởng rất lớn của họ. Quan điểm chống chiến tranh, chấp nhận ngồi tù của họ khiến Ellsberg càng quyết định hành động để ngăn chặn cuộc chiến tàn khốc và phi nghĩa.
Tháng 10-1969, Ellsberg bắt đầu sao chụp 7.000 trang tài liệu mật và trao một số trang cho một vài nghị sĩ nhưng không mang lại hiệu quả. Tháng 3-1971, Ellsberg trao bản sao cho tờ New York Times và từ ngày 13-6-1971, một số nội dung chính của tài liệu tuyệt mật này đã được công bố, tạo ra một cơn chấn động trong dư luận Mỹ. Trong thời gian trốn truy nã, Ellsberg tiếp tục tiết lộ tài liệu cho hơn một chục tờ báo khác đăng tải, ông còn gửi cho thượng nghị sĩ Mike Gravel để chuyển thành tư liệu âm thanh lưu tại Thượng viện Mỹ.
Ngày 28-6-1971, Ellsberg quyết định ra đầu thú tại Tòa án liên bang Boston và sẵn sàng đối mặt với bản án phạt tù lên tới 115 năm. Tại thời điểm này phong trào phản chiến lên cao chưa từng thấy, lại xảy ra vụ bê bối “Watergate” khiến Tổng thống Nixon phải từ chức. Dưới áp lực từ nhiều phía, ngày 11-5-1973, tòa án tuyên hủy vụ xét xử và trả tự do cho Ellsberg.
Tất cả những sự kiện trên đã được chính tác giả thể hiện hoàn chỉnh trong cuốn hồi ký chính trị “Tài liệu mật: Hồi ký về cuộc chiến tranh Việt Nam và vụ tiết lộ Hồ sơ Lầu Năm Góc” được xuất bản vào năm 2002.
Với nhiều tư liệu hay, lối thể hiện chân thực, sinh động, cuốn sách liên tục được nằm trong danh sách best sellers tại Mỹ và tái bản nhiều lần. Tháng 3-2006, Ellsberg trở lại thăm Việt Nam và được trao kỷ niệm chương “Vì hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc”, tôn vinh những cống hiến của ông dành cho Việt Nam.
Sách được Nhà xuất bản CAND chuyển ngữ và giới thiệu trong Hội Sách TP Hồ Chí Minh lần 10 (kéo dài từ ngày 19-3 đến ngày 25-3) tại Công viên Lê Văn Tám, quận 1.