Chúng tôi U70, tìm bạn tôi 18

0
549

Ngay sau lễ tưởng niệm 50 năm trận chiến quyết giữ cao điểm, các cựu chiến binh lại đưa nhau lên núi, mang theo hy vọng tìm thấy dấu tích của đồng đội nằm xuống năm nào. Nhiều năm qua, họ đã trở đi trở lại chiến trường xưa như thế.

Rồi, chẳng ai nghĩ đến một ngày, những người lính từng đối đầu một mất một còn lại ôm nhau trong nước mắt. cùng thiện chí, khắc phục hậu quả chiến tranh – câu chuyện hậu chiến trên dãy núi Chư Tan Kra, trong lõi rừng Chư Mom Ray đã gây xúc động cho bao người.

Sự thôi thúc không thể lý giải

“Những thằng lính trẻ như tớ nhìn đối phương chôn đồng đội mình, căm lắm, xót lắm. Lúc đó tớ mới chỉ 19 tuổi” – ông Hồ Đại Đồng, Trưởng Ban liên lạc tìm đồng đội Trung đoàn 209 kể lại. Các anh nuôi đã chuẩn bị cơm nắm đón đồng đội về sau trận đánh cứ ôm nhau mà khóc. Cơm còn đó nhưng đồng đội không về.

Chiếc võng của liệt sỹ tìm thấy trên núi Chư Tan Kra.

Quân ta thiệt hại nặng, nhưng quyết tâm đánh chốt đến cùng. Tại cao điểm 995 Sa Thầy, Trung đoàn 209 tổ chức 3 trận đánh lớn. Sau trận đánh ngày 26-3, quân Mỹ vây, chốt chặn đường giao liên qua đèo, cắt đường tiếp tế lương thực của ta 2 tuần liền. Không có gạo ăn, mỗi người lính chia nhau từng bát cháo loãng, tìm cây, rau rừng để cầm cự cho trận đánh sau.

Các trận đánh tiếp tục diễn ra vào ngày 29-4, 15-5, 25-5-1968 ở Chư Tan Kra, Chư Tan An… quân chiến đấu của Tiểu đoàn 7, Tiểu đoàn 8 đều bị thiệt hại nặng nề. Quân Mỹ có nhiều phương tiện trinh sát hiện đại, tương quan lực lượng khiến quân ta bị mất mát nhiều. Trận đánh nọ nối tiếp trận đánh kia.

Chứng kiến người của phía bên kia chôn xác đồng đội, nhưng những người lính Việt cộng dù xót thương đến mấy cũng chưa thể tiếp cận để đưa về. Hơn 400 lính Trung đoàn 209 đã nằm lại cao điểm 995. Máu nhuộm đỏ những ngọn núi, thân thể những người lính đã hòa vào lòng đất, để lại nỗi nhớ thương của cha mẹ, anh em và nỗi day dứt khôn nguôi của những người lính còn may mắn đi tiếp chặng đường giành độc lập.

Ông Đồng nhớ lại, ngày 29-4-1968, sau khi trinh sát trận địa xong, trong lúc chờ trời tối hẳn mới tổ chức trận đánh, Đại đội trưởng Phạm Thái Khải lôi ra gói sữa, 2 phong lương khô, thuốc lá Tam Đảo, một gói ruốc, bảo: “Các chú ăn đi”. Pha sữa uống xong, mấy chiến sỹ trẻ ăn tiếp lương khô, no kềnh no càng rồi ngồi nghe chuyện.

Ai cũng thấy lạ khi ông ấy nói nhiều về cái chết, đại ý rằng: “Các em thấy đấy, trận đánh vừa rồi (trận đánh ngày 26-3-1968) trong chiến tranh, hy sinh là khó tránh khỏi. Sau này đứa nào còn sống thì về Thái Bình tìm vợ con tao…”. Khoảng 10-11h đêm hôm đó, quân ta vào tấn công trận địa nhưng đó là trận địa nghi binh của quân Mỹ. Ta mất khoảng 30 lính do cả pháo và mìn.

Ông Hồ Đại Đồng trầm ngâm: “Ông Khải đã lãnh đạn pháo thay tớ”. Sau trận đó, ông Khải được cáng về trạm phẫu trung đoàn ở Chư Bok Đak rồi hy sinh. Sau này ông Đồng cùng ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Ban liên lạc tìm đồng đội Trung đoàn 209 về quê tìm được vợ con ông Phạm Thái Khải, nhưng ông Khải còn nằm ở đâu đó thì các ông chưa tìm thấy. Cho đến bây giờ, sau nhiều lần cất công tìm kiếm, Trạm phẫu trung đoàn trên núi Chư Bok Đak cũng vẫn là một ẩn số.

Sau 3 tháng chiến đấu tại Tây Nguyên, các cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 209 tiếp tục tham gia các chiến trường Đông Nam Bộ, Tây Nam, chiến tranh biên giới. Hòa bình, họ trở về, mất liên lạc nhau. Công cuộc xây dựng đất nước với bộn bề lo toan buộc các anh phải tạm gác quá khứ hào hùng một thời đánh giặc. Rồi đến một ngày, người lính già Nguyễn Văn Vĩnh nhớ quay quắt trận đánh đầu đời, nhớ những gã thanh niên trẻ tuổi ở bên nhau giữa lằn ranh sinh tử. Ông tìm cách liên lạc với đồng đội. Người đầu tiên là ông Hồ Đại Đồng.

Lần mò được số điện thoại, cuộc gọi đầu tiên khiến ông Vĩnh thất vọng hoàn toàn: “Tôi Vĩnh đây, Vĩnh “mũ sắt” đây!” – đáp lại là sự im lặng dài như cả thế kỷ, rồi tiếng tút, tút, tút – đầu dây bên kia dập máy. Không khóc nhưng nước mắt người cựu binh già cứ ứa ra. “Sao có thể vậy?” – câu hỏi luẩn quẩn trong đầu ông. Và rồi, nửa tiếng sau, ông Đồng gọi lại, giọng nghẹn đi: “Tôi sốc quá, không trả lời ông được. Mất nhau lâu quá rồi!”. Đó là năm 2009.

Sau cuộc điện thoại ấy, các cựu binh Trung đoàn 209 tìm nhau, kết nối lại. Trong các cựu binh đó còn có Thượng tướng Nguyễn Thế Trị, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 8. Những cuộc gặp gỡ sau mấy chục năm đã kéo họ trở lại quá khứ. Họ tìm thấy nhau, nhưng đau đớn hơn là lúc này họ mới biết rằng, nhiều gia đình liệt sỹ chưa tìm được con em, có gia đình không biết người thân của mình hy sinh nơi nào, thậm chí có người còn nhờ nhà ngoại cảm tìm không đúng…

Hóa ra 40 năm qua, đồng đội của họ vẫn nằm im dưới lớp đất đỏ ba zan, trên dãy núi Chư Tan Kra, Chư Tan An, trong rừng già Chư Mom Ray. Trận đánh bi hùng ngày ấy đã bị lãng quên.

Các cựu chiến binh xúc động khi tìm thấy ngôi mộ tập thể.

Vậy là các ông già ở tuổi trên dưới 70 đã thành lập Ban liên lạc tìm đồng đội, dành dụm tiền bạc rồi thuê xe vượt đường xa, leo núi đưa nhau về chiến trường xưa tìm đồng đội. Cả tuổi xuân họ đã cống hiến cho đất nước, giờ đến lúc nghỉ ngơi thì cứ đau đáu khôn nguôi. Núi cao, tuổi già, sức nào đi cho được? Thế nhưng, họ vẫn quyết tâm.

Ông Hồ Đại Đồng tâm sự: “Có người hỏi chúng tớ làm vì mục đích gì? Có người bảo chúng tớ bị hội chứng chiến tranh. Nhưng bọn tớ cứ như bị thôi thúc không thể lý giải, với động lực không làm thì mình chết cũng không yên lòng, mãi có lỗi với đồng đội”. Còn ông Nguyễn Văn Vĩnh thì tâm sự: “Mình nằm trong chăn ấm đệm êm, nghĩ đến các đồng đội đang nằm sương gió trên núi mà không đành lòng”.

Vậy là, nhóm cựu chiến binh Trung đoàn 209, chủ yếu là Tiểu đoàn 7 ngày ấy tự đặt lên vai trách nhiệm với đồng đội đã hy sinh, với thân nhân đồng đội. Cứ vào mùa khô hàng năm (từ khoảng tháng 10 đến tháng 3 năm sau), các cựu binh già như ông Hồ Đại Đồng, Nguyễn Văn Vĩnh, Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm, Phạm Văn Chúc, Phạm Minh Ngọc, Đặng Ngọc Linh… lại rời thủ đô vào Tây Nguyên tìm bạn.

Xúc động chuyện những người lính mắc “hội chứng chiến tranh”

Lần đầu vượt đường xa, thuê xe ô tô leo núi với vô vàn khó khăn. 40 năm đã qua, mọi thứ đã thay đổi. Rừng già khi xưa giờ là cỏ lau, có nơi đã là nương sắn. Các ông cứ trở đi trở lại chiến trường xưa, lục tìm ký ức, lật từng gốc cây, ngọn cỏ để tìm vết tích của người đã nằm xuống.

Vậy là các ông già ở tuổi trên dưới 70 đã thành lập Ban liên lạc tìm đồng đội, dành dụm tiền bạc rồi thuê xe vượt đường xa, leo núi đưa nhau về chiến trường xưa tìm đồng đội. Cả tuổi xuân họ đã cống hiến cho đất nước, giờ đến lúc nghỉ ngơi thì cứ đau đáu khôn nguôi. Núi cao, tuổi già, sức nào đi cho được? Thế nhưng, họ vẫn quyết tâm.

Ông Hồ Đại Đồng tâm sự: “Có người hỏi chúng tớ làm vì mục đích gì? Có người bảo chúng tớ bị hội chứng chiến tranh. Nhưng bọn tớ cứ như bị thôi thúc không thể lý giải, với động lực không làm thì mình chết cũng không yên lòng, mãi có lỗi với đồng đội”. Còn ông Nguyễn Văn Vĩnh thì tâm sự: “Mình nằm trong chăn ấm đệm êm, nghĩ đến các đồng đội đang nằm sương gió trên núi mà không đành lòng”.

Vậy là, nhóm cựu chiến binh Trung đoàn 209, chủ yếu là Tiểu đoàn 7 ngày ấy tự đặt lên vai trách nhiệm với đồng đội đã hy sinh, với thân nhân đồng đội. Cứ vào mùa khô hàng năm (từ khoảng tháng 10 đến tháng 3 năm sau), các cựu binh già như ông Hồ Đại Đồng, Nguyễn Văn Vĩnh, Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm, Phạm Văn Chúc, Phạm Minh Ngọc, Đặng Ngọc Linh… lại rời thủ đô vào Tây Nguyên tìm bạn.

Xúc động chuyện những người lính mắc “hội chứng chiến tranh”

Lần đầu vượt đường xa, thuê xe ô tô leo núi với vô vàn khó khăn. 40 năm đã qua, mọi thứ đã thay đổi. Rừng già khi xưa giờ là cỏ lau, có nơi đã là nương sắn. Các ông cứ trở đi trở lại chiến trường xưa, lục tìm ký ức, lật từng gốc cây, ngọn cỏ để tìm vết tích của người đã nằm xuống.

Các cựu binh Mỹ thắp hương mộ liệt sỹ Trung đoàn 209 tại Sa Thầy, Kon Tum.

Ở phía bên kia bán cầu, một số cựu binh Mỹ  đã từng tham chiến ở Sa Thầy năm 1968 cũng trăn trở về những gì đã gây ra trong cuộc chiến ở Việt Nam, qua báo chí Mỹ, rồi qua một trang web quân sự Việt Nam, họ đã tìm được nhóm cựu chiến binh Trung đoàn 209. Steve Edmunds – cựu binh Sư đoàn 4 Mỹ cùng một số cựu binh khác trở lại lần đầu tiên vào tháng 10-2009 mang theo nhiều kỷ vật liệt sỹ mà họ đã mang về nước từ cao điểm 995. Cuộc gặp 41 năm sau trận đối đầu của hai bên đã mở ra một cánh cửa mới, đưa các cựu binh trở lại quá khứ để khép lại thù hận, khắc phục hậu quả chiến tranh. Với họ, những hình ảnh, ký ức về cuộc chiến còn nguyên vẹn.

Những kỷ vật từ phía cựu binh Mỹ trao lại là chiếc ví có bức hình bạn gái người lính với dòng chữ đầy yêu thương, là lọ dầu cao sao vàng đang dùng dở, là những lá thư, nhật ký viết vội trên chiến trường…

Đặc biệt, từ cuốn nhật ký chiến trường của các cựu binh Mỹ và sơ đồ chiến trường do họ cung cấp đã giúp các cựu chiến binh Trung đoàn 209 tìm được các ngôi mộ tập thể đồng đội. Giữa trận địa năm xưa, các cựu chiến binh đã ôm nhau khóc nức nở khi nhìn thấy di vật của đồng đội lẩn sâu dưới lớp đất đỏ au. Đất như đỏ hơn bởi nhuộm máu những chàng trai Hà Nội năm ấy. Nén hương cầu xin đồng đội trở về cứ run rẩy trong tay những người lính già.

Kế hoạch tìm đồng đội của Ban liên lạc đã được Cục Chính sách, Bộ Quốc phòng ủng hộ, được Quân đoàn 3, Sư đoàn 10, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum và Huyện đội Sa Thầy, UBND huyện Sa Thầy hỗ trợ tìm kiếm. Năm 2009, liệt sỹ đầu tiên trở về là Tạ Ngọc Giao nhà ở phố Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội. Sau đó là ngôi mộ tập thể 81 liệt sỹ được tìm thấy, rồi 15 liệt sỹ, 34 liệt sỹ… cuộc tìm kiếm diễn ra trong tình huống khó khăn bởi thời tiết, muỗi rừng, rắn rết và sự nguy hiểm bởi đạn cối, bom mìn của cả hai bên còn vô số trên dãy núi ấy.

Tối 23-3-2018, một cuộc gặp gỡ đầy cảm xúc giữa 7 cựu binh Mỹ và những người lính mũ sắt Trung đoàn 209. Họ ngồi chung một mâm cơm, chụm đầu trước tấm bản đồ để lập kế hoạch tìm kiếm những ngôi mộ trên cao điểm. Từ khi tìm thấy nhau, các cựu binh Việt – Mỹ vẫn liên lạc với nhau qua facebook. Họ thường xuyên cầm điện thoại chuyển cho nhau từng hình ảnh, nói chuyện với nhau hàng ngày cùng vì một mục đích duy nhất – khắc phục hậu quả chiến tranh. Ngày hôm sau, nhóm cựu binh Mỹ cùng thân nhân đã đến thắp hương trên từng ngôi mộ các liệt sỹ Trung đoàn 209.

Gác lại quá khứ! Điều quan trọng là trong thì hiện tại đã có cái bắt tay với trái tim người lính sau những nỗi đau chiến tranh” – những người lính trong Ban liên lạc tìm đồng đội Trung đoàn 209 đã nói với nhau như thế. Các cựu binh già ấy có cái nhìn rất chân thực về cuộc chiến. Giờ họ đến bên nhau để cùng khắc phục phần nào hậu quả của chiến tranh. Sự ám ảnh về cuộc chiến, sự mất mát của cuộc chiến đã đưa họ xích lại gần nhau.

Dù  đã có nhiều chuyến leo núi, băng rừng với sự hỗ trợ của quân đội và chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa có kết quả như mong muốn, các cựu chiến binh Trung đoàn 209 không cho phép mình được thảnh thơi. Họ vẫn quyết mang cơm nắm, thực phẩm khô và hương hoa tìm đường lên trận địa xưa.

Ở tuổi nội ngoại 70, những người lính già đang nỗ lực chạy đua với thời gian, chạy đua với sức lực đang cạn dần để tìm đồng đội ra đi thuở 18. “40 năm rồi mà có thằng nào trở về đâu. Mình biết bạn nằm đâu mà không tìm đưa về thì còn ai sẽ tìm nữa, hoặc là bây giờ hoặc là không bao giờ” – đó là động lực thôi thúc những cựu binh già đi tìm bạn suốt cả chục năm qua.

“Chúng tôi U bảy mươi.

Tìm bạn tôi mười tám

Người cõi âm, cõi trần

Sao trẻ già bằng tuổi!”.

Một cựu chiến binh Trung đoàn 209 đã viết như thế trên trang facebook của CCB 209 mũ sắt. Tấm lòng và việc làm xuất phát từ trái tim người lính đã gây xúc động trái tim của bao người. Thân nhân liệt sỹ kính trọng và biết ơn các ông, coi các ông như điểm tựa tinh thần khi nghĩ về người thân đã hy sinh. Trân trọng ghi nhận việc làm nhân nghĩa của những người lính mũ sắt, chính quyền thành phố Hà Nội đã trao tặng các CCB trong Ban liên lạc giải thưởng Bùi Xuân Phái về tình yêu Hà Nội năm 2013.

Đã từng chứng kiến người cựu binh già quỳ xuống nức nở trước bát hương thờ đồng đội đang hóa dưới chân đài tưởng niệm ở Sa Thầy, đã từng được thấy cảnh gian nan vất vả của những đôi chân đã mỏi vì tuổi tác, của bữa cơm mà thuốc nhiều hơn cơm nhưng họ vẫn đi tìm đồng đội, tôi thấy mình thật bé nhỏ trước những người lính mà cả đời phải sống trong cuộc chiến. Khi bài báo này lên khuôn, các cựu chiến binh ấy vẫn đang mải miết tìm kiếm trên đỉnh Chư Tan Kra. Mong các ông luôn bình an trở về.

Việt Hà

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Điền tên của bạn