‘Có tình trạng cán bộ thuế hướng dẫn doanh nghiệp trốn thuế’

0
862

Thảo luận tại tổ về dự thảo luật Quản lý thuế (sửa đổi) sáng nay, ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu hiện tượng trốn thuế. Đặc biệt là chuyện cán bộ thuế tư vấn, hướng dẫn DN trốn thuế tồn tại cả chục năm nay.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, việc cán bộ thuế hướng dẫn DN trốn thuế kéo dài ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước.

“Chuyện cán bộ nhà nước cố tình nhũng nhiễu để DN phải chung chi, lót tay ở một số ngành trong đó có ngành thuế”, ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị đưa vào quyền và nghĩa vụ của cán bộ ngành thuế để đáp ứng tình hình thực tiễn. Cần thiết phải quy định cấm cán bộ thuế hướng dẫn thoả thuận với người đóng thuế để trốn thuế.

 ĐB Trương Trọng Nghĩa

ĐB Phan Nguyễn Như Khuê (TP.HCM) kể lại kỳ họp thứ 4 khi trả lời chất vấn Bộ trưởng Tài chính đã thừa nhận “không loại trừ việc cán bộ thuế thoả hiệp với DN để xác định không đúng tiền thuế, trốn thuế”.

Trong cuộc họp HĐND TP, khi báo cáo lại nội dung này, Cục trưởng Cục thuế TP cũng thừa nhận không loại trừ trong ngành có cán bộ tiếp tay, góp phần làm thất thoát nguồn thu.

Vì vậy, ông đề nghị luật lần này phải xem xét như thế nào cho chặt chẽ, đưa ra bộ tiêu chí để khắc phục tình trạng này.

Vướng mắc trong thu thuế với Grab, Uber

Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh đề xuất đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong thu thuế trong quản lý thuế như thế nào cho hiệu quả.

“Chúng tôi muốn là tỉnh đi đầu về xây dựng thẻ công dân, thẻ thông minh. Trong đó tích hợp 5 lớp. Anh mua cái gì bằng thẻ này thì tự động thuế có một phần. Chúng ta khuyến khích mua xăng bằng quẹt thẻ. Như vậy quản lý thuế qua thẻ”, Bí thư Triệu Tài Vinh cho biết.

ĐB Huỳnh Thành Chung, Chủ tịch Hiệp hội DN trẻ Bình Phước dẫn câu chuyện vướng mắc trong thu thuế với Grab, Uber và cho rằng cần có công thức tính thuế trên giao diện điện tử.

Từ đó để giám sát tốt vừa tạo ra sự bình đẳng với các đối tượng kinh doanh, chống thất thu thuế, đồng thời khuyến khích được các giải pháp công nghệ ứng dụng phục vụ cuộc sống.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận đây là vấn đề “nóng” và rất khó. Các nước cũng đang chưa rõ về định hình loại hình này. Nước thì phạt, nước thì cấm, nước thì đánh thuế kiểu này, nước đánh thuế kiểu kia.

Ông cho biết, khi đi nghiên cứu ở nhiều nước, đa phần các nước khuyên nên để kinh tế chia sẻ tự phát triển, không nên can thiệp quá mạnh. Bởi vì, đây là loại hình quá mới, phát triển và thay đổi rất nhanh.

“Nếu chúng ta ủng hộ loại hình truyền thống thì chúng ta không khuyến khích công nghệ phát triển và không khuyến khích kinh tế chia sẻ, không ủng hộ số đông là người tiêu dùng có lợi. Nhưng, nếu ủng hộ công nghệ thì ảnh hưởng đến kinh doanh truyền thống”, Bộ trưởng băn khoăn.

Theo ông Dũng, lời khuyên của một số nước là nên có phương thức thoả thuận giữa nhà nước và DN công nghệ trong vấn đề thu thuế. Theo đó, ấn định DN phải đóng mức thuế bao nhiêu một cách linh hoạt.

Bộ trưởng cho rằng, nguyên tắc quản lý thuế thiết kế hiện nay hơi nặng về quản lý thu. Nếu chỉ quản thu thôi nhưng không khuyến khích nguồn thu thì kìm hãm sự phát triển.

Rà soát hàng trăm ngàn tài khoản Facebook, Google vận động nộp thuế

Đại diện cơ quan soạn thảo dự luật, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, trước đây hoạt động kinh doanh được hiểu một cách truyền thống, đơn thuần nhưng hiện nay kinh doanh đặt trong bối cảnh kinh tế số, thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ nên rất khó nhận dạng.

“Bây giờ nói thu thuế người kinh doanh, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử nhưng nhận dạng nó là gì, thì quy định pháp luật hiện nay không có”, Bộ trưởng Tài chính cho hay.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng

Theo Bộ trưởng Tài chính, dù pháp luật không quy định nhưng vì nhiệm vụ nên trong thực tiễn, ngành thuế vẫn phải xử lý việc kiểm soát thuế của các đối tượng kinh doanh theo hình thức mới.

Cơ quan thuế đã rất cố gắng rà soát hàng trăm ngàn tài khoản kinh doanh trên mạng xã hội Facebook, Google…; vận động, gửi thư thuyết phục người kinh doanh nộp thuế.

“Bộ Tài chính phối hợp với Bộ TT&TT yêu cầu nhà mạng phải đặt máy chủ tại Việt Nam và phải phối hợp xử lý ngay khi có vấn đề. Cơ quan quản lý tài chính cũng phối hợp với NHNN đề nghị cung cấp thông tin vì hiện thanh toán trong, ngoài nước đều qua cổng thanh toán của cơ quan quản lý tiền tệ”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thông tin.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết, việc dự thảo đề xuất ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế khi có yêu cầu đã vấp phải sự phản ứng từ phía ngân hàng.

“Thực tế không thể không làm, vì nếu không kiểm soát được thu nhập, dòng tiền thì khó thu được thuế. Chưa kể kinh tế của chúng ta là nền kinh tế tiền mặt”, Bộ trưởng giải thích.

Nguồn: Quochoi.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Điền tên của bạn