Theo Bảng xếp hạng các trường đại học của Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS) cho khu vực Châu Á mới nhất năm 2018, Việt Nam có 5 trường đại học lọt vào nhóm 350 trường đại học hàng đầu, tức nằm trong nhóm 3% số trường đại học xuất sắc nhất của châu lục.
Những thông tin liên quan đến xếp hạng đại học và nâng cao chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam được Ông Trần Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) chia sẻ.
– Theo Bảng xếp hạng các trường đại học của Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS) cho khu vực Châu Á mới nhất năm 2018, Việt Nam có một số trường lọt vào nhóm 350 trường hàng đầu Châu Á, trong đó, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG HN) và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (ĐHQG TP.HCM) nằm trong nhóm 150 trường hàng đầu Châu Á. Trong khi đó cũng theo bảng xếp hạng mới nhất của Time Higher Education (THE), Việt Nam lại không có tên trường nào trong nhóm 350 trường hàng đầu Châu Á, Ông nhận định kết quả này như thế nào?
Những năm gần đây, theo kết quả xếp hạng của Tổ chức QS, một số đại học, trường đại học (gọi chung là trường đại học) của Việt Nam như ĐHQG HN, ĐHQG TP.HCM, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Huế, Trường ĐH Cần Thơ lọt vào nhóm 350 trường hàng đầu Châu Á cũng như trong bảng xếp hạng QS Asia phản ánh khá chính xác thực lực của các cơ sở giáo dục đại học này trong mối quan hệ so sánh với các trường đại học khác của Châu Á.
Năm 2017, số lượng các trường đại học của Châu Á tham gia xếp hạng là rất lớn, với tổng số gần 12.000 trường đại học. Việc 5 trường đại học của Việt Nam lọt vào nhóm 350 trường đại học hàng đầu tức là nằm trong nhóm 3% số trường đại học xuất sắc nhất của châu lục.
Phân tích sâu về kết quả xếp hạng cho thấy, chỉ số về số lượng công bố quốc tế, các trường đại học nhóm đầu của Việt Nam còn thấp so với các trường Châu Á trong top 400, cụ thể: chỉ số về tỷ lệ sinh viên/giảng viên gần đạt đến mức trung bình (Châu Á: 12,5 – ĐHQG HN: 14,2).
Đặc biệt, chỉ số trích dẫn trung bình của mỗi bài báo thì Việt Nam đã vượt qua được mức trung bình của Châu Á: 5,8 lần/bài so với với 5,2 lần/bài báo. Như vậy, một mặt nào đó thể hiện chất lượng các bài báo của các trường đại học hàng đầu của Việt Nam là khá tốt.
QS bắt đầu xếp hạng các trường đại học Châu Á từ 2007, bảng xếp hạng của QS được biết tới nhiều hơn ở Việt Nam, QS cũng đã tham gia nhiều hoạt động về xếp hạng và gắn sao đại học ở Việt Nam, do vậy nhiều trường đã tìm hiều kỹ hơn và cung cấp số liệu cho tổ chức QS.
Một câu hỏi được đặt ra là: tại sao một số trường có tên trong bảng xếp hạng của QS nhưng lại không có tên trong bảng xếp hạng của THE. Ở đây có mấy lý do chính:
– Thứ nhất, theo quy định của tổ chức THE, các trường đại học muốn được THE xếp hạng thì phải cung cấp dữ liệu cốt lõi (critical data) cho tổ chức này. Nếu không có dữ liệu cốt lõi thì không có căn cứ để tính toán và xếp hạng.
– Thứ 2, THE không xếp hạng với các trường đào tạo đơn ngành, các trường chỉ đạo tạo sau đại học, hoặc tống số lượng bài báo trong cơ sở dữ liệu Scopus ít hơn 200 bài/năm.
Tuy nhiên, theo chính sách của THE với những lĩnh vực có truyền thống ít công bố như lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn (Art and Humanities), lĩnh vực Kỹ thuật (Enginreering), Tổ chức này vẫn đưa vào danh sách xếp hạng nếu trung bình có 200 bài trên Scopus.
Như tôi được biết, ĐHQG HN năm 2017 có 470 bài trong hệ thống ISI, nếu họ cung cấp số liệu lõi cho THE để xếp hạng, tôi tin rằng ĐHQG HN cũng như các trường đại học có số lượng công bố lớn sẽ có kết quả khá tương quan với kết quả trong bảng xếp hạng QS.
Theo tôi biết, tổ chức QS bắt đầu xếp hạng các trường đại học Châu Á từ 2007, bảng xếp hạng của QS được biết tới nhiều hơn ở Việt Nam, QS cũng đã tham gia nhiều hoạt động về xếp hạng và gắn sao đại học ở Việt Nam, do vậy nhiều trường đã tìm hiều kỹ hơn và cung cấp số liệu cho tổ chức QS.
Hai tổ chức xếp hạng nêu trên đã từng hợp tác để xếp hạng với cùng phương pháp và cùng chung cơ sở dữ liệu. Hai tổ chức này chính thức tách ra và hoạt động độc lập từ 2009, nhưng nền tảng cơ bản vẫn giống nhau và có giá trị tương đương.
– Như vậy xếp hạng đại học là trào lưu phổ biến, nhưng mỗi khi có kết quả xếp hạng lại có nhiều luồng ý kiến khác nhau cả ủng hộ và phản đối. Vậy theo ông, xếp hạng đem lại những giá trị thực chất cho sự phát triển giáo dục đại học Việt Nam hay không?
Đây là câu hỏi không dễ trả lời.
Nhưng, những người ủng hộ xếp hạng thường nhìn thấy nó “đáng tin” vì kết quả xếp hạng dựa trên những chỉ số có thể lượng hóa được. Những người phản đối xếp hạng thì lại cho rằng không thể đơn giản quy chất lượng giáo dục vào một số chỉ số định lượng.
Cần phải khẳng định rằng cho dù còn có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng xếp hạng đại học đã và đang là một thực tế phổ biến trong đánh giá chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, các bảng xếp hạng đại học có ý nghĩa tham khảo nhất định với các nhà quản lý cấp độ vĩ mô, cấp độ nhà trường và với các thí sinh khi lựa chọn trường theo học.
Xếp hạng cũng giống như “liều thuốc”, nếu biết dùng đúng thì có thể chữa trị được một loại “bệnh” nào đó của giáo dục đại học. Nhưng nếu dùng sai nó lại thành “chất độc” gây hại cho hệ thống.
Xếp hạng cũng giống như “liều thuốc”, nếu biết dùng đúng thì có thể chữa trị được một loại “bệnh” nào đó của giáo dục đại học. Nhưng nếu dùng sai nó lại thành “chất độc” gây hại cho hệ thống. Thí dụ, việc chạy theo thành tích xếp hạng, tăng bài báo khoa học công bố để nhanh chóng đạt chỉ số thay vì phát triển nội tại một cách bền vững chính là mặt trái của xếp hạng đại học.
Về mặt tích cực, có thể khai thác ảnh hưởng của các kết quả xếp hạng để tạo ra nhưng áp lực thay đổi nhất định theo các chỉ số xếp hạng. Mặc dù chưa thực sự toàn diện, nhưng rõ ràng các tiêu chí của các tổ chức xếp hạng đi từ mức đơn giản sang việc có thêm những chỉ số để có thể đánh giá đa diện về chất lượng của trường đại học.
Ví dụ, cả QS và THE đều đánh giá dựa trên các chỉ số lõi phản ánh phần quan trọng trong chất lượng nghiên cứu khoa học, giảng dạy và quốc tế hóa, như: uy tín sinh viên của trường với người sử dụng lao động, uy tín học thuật theo đánh giá của các nhà khoa học, chỉ số trích dẫn, mức độ quốc tế hóa,..
Do tâm lý “xếp hạng” rất phổ biến trong xã hội, danh tiếng của các trường có thể bị ảnh hưởng, cho nên việc “bị” xếp hạng thấp hoặc thấp hơn trường khác sẽ tạo ra áp lực không nhỏ với lãnh đạo nhà trường. Tôi biết có lãnh đạo trường đại học ở một nước ASEAN từng phải từ chức vì kết quả xếp hạng kém hơn năm trước.
Từ áp lực của các kết quả xếp hạng, tôi thấy một số trường đại học Việt Nam có những chính sách phù hợp để làm cho việc xếp hạng trở nên thực chất.
Ví dụ, ĐHQG HN sử dụng bảng xếp hạng 500 trường hàng đầu thế giới, nghiên cứu chỉ số thực hiện cốt lõi (KPI) của các trường này (chứ không phải bản thân vị trí xếp hạng) để xây dựng thành các mốc chuẩn, các mục tiêu phấn đấu cho ĐHQG HN cho một giai đoạn cụ thể.
Các trường khác cũng đã chú trọng tăng chỉ số nghiên cứu bằng cách phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, tăng cường thu hút các nhà khoa học trình độ cao về lãnh đạo các nhóm nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ hơn cho các đề tài nghiên cứu khoa học theo sản phẩm đầu ra là bài báo quốc tế, quan tâm hơn đến sinh viên, tăng cường sự kết nối với thị trường lao động,…
Đây là những xu hướng thay đổi theo hướng tạo ra chất lượng giáo dục đích thực. Bộ GD&ĐT ủng hộ những xu hướng thay đổi tích cực này.
Như vậy, hoàn toàn có thể sử dụng kết quả xếp hạng như là một công cụ để thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo và cạnh tranh lành mạnh giữa cách trường. Điều này cũng phù hợp xu thế là các quốc gia đang phát triển và mới phát triển đặc biệt quan tâm đến thúc đẩy xếp hạng đại học như một biện pháp tạo động lực nhằm thay đổi hệ thống giáo dục.
Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội |
– Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, Bộ GD&ĐT đã có những chính sách gì cho việc xếp hạng đại học và nâng cao chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam?
Như trên tôi đã nói, việc xếp hạng không phải là mục đích tự thân. Nó phải được quản lý và triển khai để nâng cao chất lượng giáo dục đại học nói chung.
Vấn đề xếp hạng đại học đã được đặt ra từ khá lâu. Trong Quy hoạch Mạng lưới các trường đại học và cao đẳng, do Thủ tưởng Chính phủ ban hành năm 2007 đã nêu mục tiêu “Đến năm 2010 có 10 trường đại học mà mỗi trường có ít nhất 1 khoa (ngành) hoặc lĩnh vực đào tạo đạt tiêu chí chất lượng tương đương so với các trường có uy tín trên thế giới; đến năm 2015 có 20 trường đại học đạt tiêu chí nêu trên và năm 2020 có 1 trường đại học được xếp hạng trong số 200 trường đại học hàng đầu thế giới”.
Đến bản Quy hoạch Mạng lưới các trường đại học và cao đẳng, sửa đổi năm 2013, mục tiêu này điều chỉnh thành “Đến năm 2015 có 10 trường đại học mà mỗi trường có ít nhất 1 khoa (ngành) hoặc lĩnh vực đào tạo đạt tiêu chí chất lượng tương đương so với các trường có uy tín trên thế giới; đến năm 2020 có 20 trường đại học đạt tiêu chí nêu trên và năm 2020 có 1 trường đại học được xếp hạng trong số 200 trường đại học hàng đầu thế giới”.
Điều 9 Luật Giáo dục đại học năm 2012 cũng quy định “Cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng nhằm đánh giá uy tín và chất lượng đào tạo; phục vụ công tác quản lý nhà nước và ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước”. Năm 2015, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 73 về “Quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học”.
Việc triển khai thực hiện dự án phát triển các trường đại học phối hợp với các quốc gia có nền giáo dục phát triển, theo mô hình đại học xuất sắc chính là tiền đề thực hiện mục tiêu nói trên. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, sự đầu tư theo các chỉ số xếp hạng cho giáo dục đại học, cả từ cấp độ vĩ mô đến cấp độ trường đại học cũng chưa đạt tới ngưỡng để tạo ra sự thay đổi về chất cho toàn hệ thống.
Bộ GD&ĐT đã và đang có những giải pháp mạnh hơn để định hướng và thúc đẩy hoạt động này một cách đúng hướng.
Từ phía các trường đại học, cũng cần chuẩn bị kĩ lưỡng, nghiên cứu các tiêu chí và chỉ báo của hệ thống xếp hạng. Đặc biệt là phải nghiên cứu KPI của nhóm trường nhằm đối sánh, xác định các mốc chuẩn và khoảng cách để đầu tư có chiến lược và trọng tâm theo các chỉ số này.
Các trường có được những thứ hạng tốt trong các bảng xếp hạng trước hết có lợi cho danh tiếng của trường, từ đó sẽ thu hút được nhiều sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh giỏi.
Với danh tiếng tốt, cách trường cũng dễ dàng thuyết phục các nhà đầu tư, các nhà hảo tâm đầu tư cho các hoạt động của nhà trường hơn. Từ phía Nhà nước, các trường có thứ hạng tốt trong các bảng xếp hạng uy tín sẽ được quan tâm tiếp tục giao quyền tự chủ và được tạo thuận lợi trong việc tiếp cận các nguồn vốn đầu tư công.
Dẫu sao, xếp hạng đại học cũng chỉ là một giải pháp để đánh giá và là căn cứ xây dựng các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Cho nên, nếu chỉ tập trung vào hoạt động xếp hạng đại học sẽ khó đạt được mục tiêu cuối cùng. Hơn thế, giải pháp này được thực hiện riêng rẽ cũng không đủ để tạo ra sự chuyển biến.
Chính vì vậy, Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo thực hiện đồng bộ một loạt các giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo. Một số giải pháp trọng yếu gồm:
Tăng cường kiểm định chất lượng giáo dục cấp cơ sở giáo dục cũng như cấp chương trình đạo tạo. Khuyến khích các cơ sở giáo dục tham gia đánh giá, kiểm định chất lượng, gắn sao đại học theo chuẩn khu vực hoặc quốc tế sau khi đã được kiểm định trong nước.
Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, nhất là các cơ sở đào tạo giáo viên, nhằm tinh gọn đầu mối, giảm sự chồng chéo, tăng hiệu quả đầu tư công.
Đẩy mạnh việc trao quyền tự chủ đại học gắn với trách nhiệm giải trình. Đổi mới thi cử, kiểm tra đánh giá đảm bảo trung thực, khách quan.
Khi các giải pháp này được thực hiện tốt, công tác xếp hạng đi vào thực chất thì chắc chắn sẽ có thêm nhiều trường đại học Việt Nam khẳng định vị trí cao trong các bảng xếp hạng đại học quốc tế.
Xin trân trọng cám ơn ông!