XÉT XỬ NHÓM KHỦNG BỐ LÊN KẾ HOẠCH ĐẶT BOM XĂNG HÀNG LOẠT NƠI CÔNG CỘNG

0
523

Ngày 4 – 5/6, TAND Cấp cao tại TPHCM dự kiến sẽ mở phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Đặng Hoàng Thiện (sinh năm 1993), Nguyễn Đức Sinh (sinh năm 1985, quê Quảng Ngãi) cùng 13 đồng phạm về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân.

Trước đó TAND TPHCM xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Thiện 16 năm tù, Sinh 10 năm tù các đồng phạm còn lại bị tuyên phạt mức án từ 5 – 14 năm tù. Đồng thời áp dụng hình phạt bổ phạt quản chế các bị cáo 3-5 năm, kể từ sau khi chấp hành xong án tù. Sau bản án sơ thẩm, 14 bị cáo kháng cáo kêu oan và xin giảm nhẹ hình phạt.

Theo bản án sơ thẩm, Đào Minh Quân cầm đầu tổ chức phản động thành lập tại California (Mỹ) năm 1991. Đối tượng này cùng Phạm Lisa (đang sống tại nước ngoài) lôi kéo nhiều người thành lập các “nhóm hành động” để thực hiện các vụ khủng bố với chủ trương “giết sạch, đốt sạch, phá sạch”.

Thực hiện lệnh của Phạm Lisa, Sinh từ Lào về Việt Nam hồi cuối tháng 3 để tập hợp nhiều người hoạt động khủng bố.

Để gây tiếng vang cho tổ chức, nhóm này lên kế hoạch đốt kho giữ xe vi phạm của Công an TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Sinh cùng Thái Hàn Phong đến nhà Nguyễn Đức Toàn tại xã Gia Huynh, huyện Tánh Linh (Bình Thuận) lôi kéo cùng thực hiện kế hoạch này với lời hứa “cho 500 triệu đồng”.

Ngày 4/4, Sinh và Phong khảo sát đường ra vào kho tạm giữ xe vi phạm giao thông của Công an TP Biên Hòa trên Quốc lộ 1, phường Tam Hoà.

Ngày hôm sau, từ chỉ đạo của Phạm Lisa, Thiện hẹn Sinh tại Ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh, TPHCM) bàn bạc. Nhóm này thống nhất cách gây án và tập trung về “căn cứ” tại tỉnh Bình Thuận. Để đảm bảo bí mật, Sinh yêu cầu mọi người tắt hết điện thoại và giao cho mình giữ.

Sinh bắt đầu chế bom gas, vẽ sơ đồ hiện trường kho xe để cả nhóm nắm bắt tình hình đồng thời giao nhiệm vụ cho từng người. Chúng mua 15 lít xăng, chia làm nhiều can nhỏ, hai chùm bom gas và chờ đợi.

Rạng sáng 8/4, cả bọn mang bom gas, xăng tiếp cận kho giữ xe số 1 và giao nhiệm vụ cho hai người khác đứng ở Quốc Lộ 1A, gần ngã tư Amata để cảnh giới.

Thiện, Sinh đi xe máy qua cổng kho xe thấy ngoài cổng còn có hai lớp cửa sắt, không thể ném bom gas qua, nên chuyển sang “tấn công” bên hông.

Chúng châm lửa vào giẻ, ném các bom gas, xăng vào kho từ hẻm 750 Quốc Lộ 1A. Lửa bùng phát, lan nhanh vào trong kho. Bảo vệ tại đây cố gắng dùng bình cứu hỏa chữa cháy nhưng bất thành. Lửa bao trùm và thiêu rụi toàn bộ 320 xe, thiệt hại gần 1,3 tỉ đồng.

                                                    Bị cáo Thiện.

Ngoài vụ đốt kho xe và đặt bom xăng tại Sân bay Tân Sân Nhất, băng nhóm này còn thực hiện nhiều vụ khủng bố khác nhưng đều bị lực lượng chức năng ngăn chặn kịp thời.

Cụ thể, cuối năm 2016, Sinh và đồng bọn lên kế hoạch khủng bố vào Tết nguyên đán 2017 và lễ kỷ niệm 30/4/2017, Sinh và Lê Hùng Cường đi Campuchia mua 1 khẩu súng K59 và 9 viên đạn đem về Việt Nam.

Tuy nhiên, tháng 1/2017, Sinh đánh bạc và xô xát với 1 số đối tượng ở Hóc Môn nên bị lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ cùng với khẩu súng trong người. Lợi dụng sơ hở, Sinh đã trốn sang Lào.

Tháng 3/2017, theo chỉ đạo của Phạm Lisa, Sinh quay về Việt Nam để chuẩn bị hoạt động khủng bố thì bị bắt.

Với thủ đoạn tương tự, Bùi Tân Thành và Hùng Văn Vương cùng với một số đối tượng chế tạo 1 quả bom xăng đặt tại 1 quán cà phê trước cửa siêu thị BigC trên đường Trường Chinh, Quận Tân Phú nhưng đã bị lực lượng chức năng ngăn chặn kịp thời.

Ngoài ra, nhóm của Thành và Vương cũng tổ chức biểu tình tại nhà thờ Đức Bà. Theo chỉ đạo của Phạm Lisa, Trần Quốc Lượng đã chế tạo súng bút dùng cho kế hoạch khủng bố. Tháng 3/2017, Lượng chế tạo và bán 2 súng bút cho 1 người ở Quảng Ninh thì bị bắt.

Các đối tượng Đoàn Văn Thế, Trần Văn No, Lê Thanh Hải đã tham gia các nhóm khủng bố và lên kế hoạch khủng bố nhà máy giấy Lee & Man ở tỉnh Hậu Giang, sân bay Tân Sơn Nhất, hệ thống siêu thị BigC tại TPHCM, khủng bố nhà chủ tịch phường An Phú Đông, quận 12…

Trong vụ án, Quân, Phạm Lisa được cho là người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu và chỉ đạo. Nhưng những người này đang ở nước ngoài nên cơ quan chức năng đã ra lệnh truy nã lúc nào bắt được sẽ xử lý sau.

Duy Nghĩa

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Điền tên của bạn