Nhà mạng cho phép chủ thuê bao gửi ảnh chân dung online

0
522

Ngoài cho phép cập nhật online, các nhà mạng cũng hứa cử nhân viên đến hỗ trợ tại nhà với chủ thuê bao tuổi cao, khuyết tật, khó đi lại.

Từ ngày 24/4, chủ thuê bao không cập nhật thông tin cá nhân, trong đó có ảnh chân dung, sẽ bị khoá một chiều, theo Nghị định 49 ban hành giữa năm 2017.

Trao đổi với VnExpress, đại diện Viettel – nhà mạng giữ thị phần lớn nhất – cho biết, chủ thuê bao có 4 phương thức để cập nhật thông tin. Một là đến điểm giao dịch, hai là tới các gian hàng lưu động do Viettel tổ chức; ba là dùng ứng dụng My Viettel và cuối cùng là cập nhật tại nhà. Tuy nhiên, phương thức thứ tư chỉ áp dụng cho khách hàng tuổi cao, sức khỏe yếu, đi lại khó. Nhóm khách này có thể gọi tới tổng đài để yêu cầu nhân viên nhà mạng hỗ trợ cập nhật thông tin ở nhà.

Nhà mạng nhắn tin thông báo tới khách hàng việc phải cập nhật hình ảnh chân dung. Ảnh: TT

Với khách hàng doanh nghiệp lớn, dùng nhiều thuê bao, Viettel cũng cử người đến tận nơi. Nhà mạng này cho biết đang liên hệ các doanh nghiệp tạo điều kiện cho tiếp cận chuẩn hóa thông tin thuê bao cho cán bộ nhân viên ngay tại nơi làm việc.

Trong thông tin vừa phát đi, Viettel cũng hướng dẫn rõ, chủ thuê bao cần cập nhật đầy đủ cả hai mặt chứng minh thư hoặc thẻ căn cước. Các trường hợp thiếu ảnh chụp một trong hai mặt đều bị hệ thống từ chối.

“Ảnh chụp chân dung chủ thuê bao cần rõ nét, chính diện, không chụp nghiêng, ký đúng chữ ký cá nhân, tránh cập nhật các thông tin, hình ảnh không liên quan”, đại diện nhà mạng cho hay.

Trong khi đó, VinaPhone cũng cho biết sẽ tăng giờ phục vụ tại các điểm giao dịch trên toàn quốc đến 21h, đồng thời mở thêm nhánh 3 tổng đài 18001091 để giải đáp và hướng dẫn khách hàng cập nhật thông tin thuê bao. Đại diện VinaPhone cũng nhấn mạnh, việc bổ sung thêm thông tin theo quy định của Chính phủ nhằm bảo vệ quyền lợi số thuê bao của khách hàng trong một số trường hợp.

Ngoài ra, khách hàng Vinaphone cũng có thể chụp ảnh chân dung, chứng minh nhân dân và các thông tin khác rồi gửi vào email hoặc qua ứng dụng di động My VinaPhone.

Tương tự, các khách hàng của MobiFone cũng có thể ra cửa hàng chính thức của nhà mạng hoặc các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông do đơn vị này ủy quyền (khoảng 14.500 điểm) để cập nhật thông tin.

Ngoài phương thức này, các chủ thuê bao của nhà mạng cũng có thể truy cập vào website của MobiFone để khai báo. Như Viettel, MobiFone cũng hỗ trợ cập nhật thông tin tại nhà với khách hàng tuổi cao, người khuyết tật… nếu có yêu cầu.

Một nguồn tin cho biết, ngày 10/4, các nhà mạng sẽ họp với Bộ Thông tin & Truyền thông để báo cáo về các nội dung và tiến độ thực hiện Nghị định 49. Theo các nhà mạng, số lượng thuê bao quá lớn nên tiến độ thực hiện còn phụ thuộc vào sự đồng thuận của khách hàng bởi không phải ai cũng hợp tác.

“Sau cuộc họp này, nếu gặp khó trong việc cập nhật thông tin do đã sát thời hạn cuối cùng, chúng tôi sẽ kiến nghị lùi thêm vài ngày”, đại diện một nhà mạng cho hay.

Trước một số ý kiến lo ngại các thông tin cá nhân (bao gồm cả ảnh chụp chân dung) có thể bị lợi dụng khi cung cấp cho nhà mạng, đại diện các doanh nghiệp viễn thông khẳng định sẽ không để xảy ra tình trạng này. 

“Ảnh và thông tin cá nhân của khách hàng được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu tập trung của MobiFone và chỉ sử dụng trong việc quản lý thông tin thuê bao theo quy định của pháp luật. MobiFone đảm bảo bí mật thông tin khách hàng theo đúng Luật Viễn thông và các quy định hiện hành”, đại diện nhà mạng nhấn mạnh.

Trong khi đó, lãnh đạo Viettel cũng cho biết, việc đảm bảo an toàn và bí mật thông tin thuê bao là trách nhiệm của doanh nghiệp, đã được quy định trong Luật An toàn thông tin mạng và trong Nghị định số 174/2013 của Chính phủ. Vì thế, nhà mạng luôn ý thức được trách nhiệm này và triển khai các biện pháp để đảm bảo điều đó trong các quy chế hoạt động và quy trình quản lý thông tin thuê bao.

Nguyễn Hà

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Điền tên của bạn