Bộ Y tế vừa gửi dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và đồ uống có cồn khác tới Bộ Tư pháp để thẩm định.
Dự thảo quy định về các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia và đồ uống có cồn khác có từ 0,5 độ cồn trở lên với mục tiêu giảm mức tiêu thụ; quản lý việc cung cấp; giảm tác hại của rượu, bia và đồ uống có cồn khác; điều kiện bảo đảm cho phòng, chống tác hại của rượu, bia và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Công chức không được uống rượu trong giờ nghỉ của ngày làm việc
Theo dự thảo, các trường hợp sau không được uống rượu, bia và đồ uống có cồn:
– Người dưới 18 tuổi.
– Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa các ca trong ngày làm việc.
– Tại các địa điểm như cơ sở y tế, giáo dục, chăm sóc trẻ em; nơi làm việc của các cơ quan, doanh nghiệp khác.
– Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới tham gia giao thông.
Dự thảo nghiêm cấm các hành vi sau:
– Khuyến mại rượu, bia trực tiếp cho người tiêu dùng.
– Dùng rượu, bia làm giải thưởng cho các cuộc thi.
– Cung cấp rượu, bia miễn phí.
– Quảng cáo rượu, bia và đồ uống có cồn khác từ 15 độ trở lên dưới mọi hình thức và trên các phương tiện; trong các chương trình, phim và ấn phẩm khác cho trẻ em; trên các phương tiện giao thông, quảng cáo ngoài trời; trên mạng xã hội, trang thông tin điện tử…
Chỉ được bán rượu, bia và đồ uống có cồn khác từ 6 đến 22h
Dự thảo đề xuất chỉ được quảng cáo rượu, bia và đồ uống có cồn khác dưới 15 độ trên báo hình, báo nói từ sau 22h đến 6h ngày hôm sau. Hình ảnh uống rượu, bia cần được hạn chế trong các sản phẩm điện ảnh, truyền hình.
Không được bán rượu, bia và đồ uống có cồn khác tại các địa điểm sau: cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho trẻ em; nơi làm việc của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trừ các doanh nghiệp kinh doanh rượu, bia.
Không được bán rượu, bia và đồ uống có cồn khác cho người dưới 18 tuổi, người đã có biểu hiện say rượu, bia; không được bán trên mạng internet và bằng máy bán hàng tự động.
Chỉ được bán rượu, bia trong khoảng thời gian từ 6 đến 22h, trừ trường hợp bán tại khu vực bay quốc tế và các tuyến phố đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thành nơi chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch.
Lộ trình thực hiện thời gian bán rượu, bia theo quy định của Chính phủ căn cứ yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống tác hại của loại đồ uống này và điều kiện thực tiễn của từng địa phương.
Trách nhiệm của cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, bia
– Cung cấp thông tin chính xác về hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; thông tin về rượu, bia phải bảo đảm chính xác, khoa học.
– Tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, an toàn thực phẩm, chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, ghi nhãn hàng hóa đối với rượu, bia.
– Không được sử dụng người lao động dưới 18 tuổi trực tiếp làm công việc sản xuất, kinh doanh rượu, bia.
– Người sử dụng lao động làm việc tại địa điểm bán lẻ rượu, bia phải tổ chức tập huấn cho người lao động; khuyến nghị người tiêu dùng về đơn vị rượu nên sử dụng ở mức nguy cơ thấp; khuyến nghị khách hàng không điều khiển phương tiện giao thông cơ giới sau khi uống rượu, bia…
– Tổ chức thực hiện pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia tại cơ sở sản xuất, kinh doanh và tuân thủ các quy định khác tại Luật này.
Theo Vnexpress