Trong 6 ngày xét xử sơ thẩm trước đó, bị cáo Trần Xuân Yến (cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La) thừa nhận sai phạm nhưng cho rằng, sai phạm ấy chỉ xử lý ở mức hành chính và đề nghị HĐXX tuyên không phạm tội. Riêng bị cáo Nguyễn Minh Khoa (cựu Phó trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) không nhận tội với lý do, bị cáo chỉ nhờ xem điểm chứ không nhờ nâng điểm. Các bị cáo còn lại đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã truy tố và đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt. Có bị cáo đề nghị HĐXX cho hưởng án treo.
Hội đồng xét xử. |
HĐXX nhận thấy trước, trong và sau khi diễn ra kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở tỉnh Sơn La, các bị cáo: Trần Xuân Yến, Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La), Lò Văn Huynh (cựu Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La), Đặng Hữu Thủy (cựu Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu), Cầm Thị Bun Sọn (cựu Phó trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La) và Nguyễn Thanh Nhàn (cựu Phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La) đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao để bàn bạc, thỏa thuận nhằm nâng điểm cho 44 thí sính.
Căn cứ lời khai của các bị cáo có trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa, có đủ cơ sở xác định, các bị cáo Huynh, Nga, Sọn và Thủy đã thực hiện việc rút bài thi trắc nghiệm để nâng điểm thi cho thí sinh. Ngoài ra, các bị cáo Huynh, Nga và Sọn còn thỏa thuận nhận hối lộ gần 2,8 tỷ từ bị cáo Nguyễn Minh Khoa, Hoàng Thị Thành (cựu Chủ tịch Hội nông dân huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La), Trần Văn Điện và Lò Thị Trường (cùng trú tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) để nâng điểm thi cho các thí sinh đỗ đại học.
Đối với bị cáo Trần Xuân Yến, HĐXX khẳng định, trong quá trình thực thi nhiệm vụ được giao, bị cáo Yến đã chỉ đạo bị cáo Nga làm trái công vụ, thực hiện nâng điểm cho 13 thí sinh. Thông qua việc không chỉ đạo niêm phong bài thi ngay sau khi kết thúc thi, bị cáo Yến đã đồng thuận và tạo điều kiện cho các bị cáo Nga, Sọn và Thủy rút bài thi trắc nghiệm để mang về nhà sửa điểm.
Ngoài ra, bị cáo Yến còn có hành vi chỉ đạo bị cáo Nga xóa dữ liệu sửa điểm trên máy tính sau khi Đoàn Thanh tra của Bộ GD&ĐT lên làm việc. Bị cáo Yến cũng trực tiếp xóa dấu vết phạm tội bằng cách mang các bộ đĩa CD chứa dữ liệu sao lưu bài thi ra đốt ngoài nghĩa trang.
Trong suốt quá trình điều tra và tại xét xử, dù bị cáo Yến chỉ nhận sai chứ không thừa nhận phạm tội, nhưng căn cứ kết quả điều tra và sự phù hợp trong lời khai của các bị cáo Nga, Thủy và Sọn, HĐXX khẳng định “Có đủ cơ sở xác định, bị cáo Yến đã đưa danh sách 13 thí cho cấp dưới để nâng điểm, chứ không phải nhờ xem điểm”. Ban đầu, bị cáo Nga khai, đã nhận thông tin 13 thí sinh từ cấp trên là Yến để giúp nâng điểm cho một số thí sinh.
Ngoài lời khai này của bị cáo Nga thì không còn lời khai hoặc tài liệu nào khác để xác định được, ai là người khởi xướng việc nhờ nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 (?). “Bị cáo Yến là người chịu trách nhiệm chính trong việc xử lý bài thi trắc nghiệm. Và dù bị cáo Yến không trực tiếp tham gia việc sửa nâng điểm thi nhưng căn cứ vị trí, vai trò của bị cáo Yến thì có đủ cơ sở khẳng định, bị cáo Yến giữ vai trò chính trong vụ án này”, HĐXX khẳng định.
Đối với bị cáo Lò Văn Huynh, HĐXX xác định, bị cáo Huynh là người có chức vụ quyền hạn trong kỳ thi, nhưng bị cáo đã lợi dụng nhiệm vụ được giao và động cơ, vụ cá nhân để nhận thông tin thí sinh và nhận 1 tỷ đồng từ bị cáo Nguyễn Minh Khoa, nhận 300 triệu đồng từ bị cáo Lò Thị Trường để nâng điểm thi cho 3 thí sinh. Ngoài ra vào tối 30/6/2018, bị cáo còn cùng các bị cáo Nga, Thủy và Sọn trực tiếp rút bài thi để sửa kết quả, nâng điểm cho 32 thí sinh.
Bị cáo Lò Văn Huynh. |
Về hành vi đưa, nhận hối lộ, mặc dù bị cáo Huynh và bị cáo Khoa không thừa nhận cáo buộc nhưng xét thấy, Huynh và Khoa có mối quan hệ và từng gặp nhau trước khi diễn ra kỳ thi để trao đổi thông tin. Bị cáo Khoa còn khai đã đến nhà Huynh để đưa thông tin thí sinh nhờ nâng điểm. Kết quả điểm thi khi chưa chấm thẩm định cũng cho thấy các thí sinh mà bị cáo Khoa nhờ đều được nâng điểm.
Đối với bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga, HĐXX xác định, bị cáo Nga đã trực tiếp tổng hợp, nhận thông tin thí sinh và nhận tổng số tiền 1,04 tỷ đồng từ Trần Văn Điện để nâng điểm thi cho 20 thí sinh. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Nga đã thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội. Về hành vi đưa và nhận hối lộ, mặc dù bị cáo Điện không thừa nhận đưa hối lộ 1, 4 tỷ đồng, nhưng căn cứ lời khai của bị cáo Nga và các chứng cứ thu thập được về thời gian, địa điểm và kết quả các thí sinh được nâng điểm, HĐXX khẳng định, bị cáo Nga đã phạm tội nhận hối lộ, còn bị cáo Điện đã đưa hối lộ.
Đối với bị cáo Nguyễn Minh Khoa, HĐXX nhận thấy, bị cáo Khoa đã có hành vi trao đổi, thỏa thuận, cung cấp thông tin và đưa 1 tỷ đồng cho bị cáo Huynh để nâng điểm cho 2 thí sinh. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, mặc dù bị cáo Khoa không thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng căn cứ kết quả điều tra và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, có đủ cơ sở xác định, bị cáo Khoa đã thỏa thuận và đưa 1 tỷ đồng cho bị cáo Huynh để nâng điểm cho các thí sinh.
Đối với hai bị cáo cựu cán bộ Công an tỉnh Sơn La là Đỗ Khắc Hưng và Đinh Hải Sơn, HĐXX xét thấy, hai bị cáo được phân công nhiệm vụ bảo vệ khu vực chấm thi và nơi lưu giữ bài thi. Tuy nhiên, Hưng và Sơn đã tạo điều kiện bằng cách mở cửa cho nhóm của bị cáo Nga vào rút bài thi để mang về nhà sửa nâng điểm. Ngoài ra, hai bị cáo Hưng và Sơn còn nhờ các bị cáo khác trong vụ án nâng điểm cho 3 thí sinh. Sau khi bài thi bị sửa điểm được trả lại phòng bảo mật, bị cáo Hưng còn dán lại niêm phong để che giấu hành vi phạm tội.
Bị cáo Đỗ Khắc Hưng. |
Sau khi phân tích, đánh giá hành vi phạm tội của từng bị cáo, HĐXX tuyên phạt: Nhóm bị cáo phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”:
1. Trần Xuân Yến (cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La) 9 năm tù.
2. Đỗ Khắc Hưng (cựu cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) 3 năm tù.
3. Đặng Hữu Thuỷ (cựu Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu) 8 năm tù.
4. Đinh Hải Sơn (cựu cán bộ Đội Giáo dục, Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) 24 tháng tù, cho hưởng án treo.
5. Nguyễn Thanh Nhàn (cựu Phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La) 30 tháng tù.
Nhóm bị cáo phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ” và “Nhận hối lộ”:
1. Lò Văn Huynh (cựu Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La) 5 năm 6 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, 15 năm 6 tháng tù về tội “Nhận hối lộ”. Tổng hợp hình phạt của hai tội 21 năm tù.
2. Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La) 4 năm 6 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, 15 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Tổng hợp hình phạt cả hai tội 19 năm 6 tháng tù.
3. Cầm Thị Bun Sọn (cựu Phó trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La) 4 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, 6 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Tổng hợp hình phạt của hai tội là 10 năm tù.
Nhóm bị cáo phạm tội “Đưa hối lộ”:
Nguyễn Minh Khoa (cựu cán bộ Công an tỉnh Sơn La) 8 năm tù.
Trần Văn Điện (trú tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) 9 năm tù.
Hoàng Thị Thành (cựu Chủ tịch Hội nông dân huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) 3 năm tù, cho hưởng án treo.
Lò Thị Trường (trú tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) 30 tháng tù, cho hưởng án treo.
Phạm Tuyên tổng hợp