“Từ Pác Bó đến Tân Trào – Hành trình lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định đổi thay vận mệnh dân tộc”

0
459

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng mới cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”. Việc chọn Pác Bó làm đại bản doanh, căn cứ địa, trở thành đầu nguồn cách mạng là sự kiện lịch sử đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng đối với thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Yên (giữa) trao đổi với thế hệ trẻ về ý nghĩa lịch sử cuộc hành trình của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Tân Trào (Tuyên Quang).

TỪ PÁC BÓ – ĐẦU NGUỒN CÁCH MẠNG

Đầu năm 1938 đến đầu năm 1940, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô đến Côn Minh (Trung Quốc) bắt liên lạc được với Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng tại đây. Tháng 6/1940, được tin Pháp đầu hàng Đức, Người triệu tập cuộc họp tại Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng ở Côn Minh và đưa ra nhận định: “Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”. Vấn đề là chọn địa điểm nào để đặt đại bản doanh, làm căn cứ địa.

Với tầm nhìn của một nhà chiến lược thiên tài, Người chọn Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) làm đại bản doanh và căn cứ địa. Trước khi vượt biên giới về nước, Người tiến hành huấn luyện cán bộ Việt Minh cho 43 thanh niên Cao Bằng tại làng Nặm Quang, Tịnh Tây (Trung Quốc) rồi đưa về nước.

Ngày 28/1/1941, sau 30 năm xa Tổ quốc, Người qua cột mốc 108, đặt đại bản doanh ở Pác Bó. Tại đây, Người tiến hành xây dựng các đoàn thể Cứu quốc, tổ chức thí điểm Mặt trận Việt Minh, mở các lớp huấn luyện chính trị, quân sự ngắn ngày đào tạo cán bộ, xuất bản báo Việt Nam độc lập, viết cuốn Lịch sử nước ta và Địa lý Việt Nam…, thành lập đội du kích tập trung đầu tiên và chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8.

Cũng tại Pác Bó, Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8, họp từ ngày 10 – 19/5/1941. Hội nghị quyết định thay đổi chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh, lấy lá cờ đỏ sao vàng làm biểu tượng. Hội nghị chủ trương khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa, quyết định lấy vùng rừng núi Việt Bắc để xây dựng căn cứ vũ trang, trước hết là căn cứ Cao Bằng và căn cứ Bắc Sơn – Võ Nhai. Hội nghị bầu Ban Chấp hành Trung ương chính thức, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Người, phong trào Việt Minh và các hội Cứu quốc phát triển mạnh. Cao Bằng trở thành đầu nguồn, chiếc nôi cách mạng, đầu mối thông tin liên lạc giữa trong nước và quốc tế. Việc nhận định đến chọn Pác Bó làm đại bản doanh và căn cứ địa, trở thành nơi đầu nguồn để chỉ đạo phong trào cách mạng trong cả nước và là nơi diễn ra Hội nghị Trung ương 8 nói lên ý nghĩa to lớn của một địa danh, quyết định chiều hướng phát triển thắng lợi của cách mạng nước ta, dẫn đến thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Cuộc Chiến tranh thế giới thứ II chuyển biến nhanh chóng. Tháng 6/1941, Đức bất ngờ tấn công Liên Xô, Anh tuyên bố đứng về phía Liên Xô, Mỹ lên án hành động xâm lược của Đức. Từ đây, liên minh chống phát xít hình thành. Ở Việt Nam, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 đạt nhiều kết quả, lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang được xây dựng đều khắp, Mặt trận Việt Minh phát triển mạnh trong cả nước.

Tháng 8/1942, với tên mới là Hồ Chí Minh, Người đi Trung Quốc tranh thủ lực lượng Đồng minh. Ngày 27/8/1942, Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch vô cớ bắt giam, giải qua 30 nhà tù thuộc tỉnh Quảng Tây. Sau một năm không có chứng cứ, chính quyền Tưởng Giới Thạch phải trả lại tự do cho Người. Đêm 9/3/1945, Nhật đảo chính hất cẳng Pháp, độc chiếm Đông Dương. Trước tình hình đó, Người trở về Pác Bó kịp thời chỉ đạo cao trào kháng Nhật cứu nước.

Từ sau Hội nghị Trung ương 8, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ đạo mở đường “Nam tiến” từ Cao Bằng theo ba hướng: “Nam tiến”, “Đông tiến”, “Tây tiến” và đã mở rộng phong trào cách mạng ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn, rồi tỏa đi các hướng về xuôi. Con đường “Nam tiến” gồm 19 đội xung phong mở đường, phải vượt qua muôn vàn gian nguy trong sự truy sát gắt gao của mật thám và quân Nhật.

Thực hiện lời căn dặn của Người, các đội “Nam tiến” đi đến đâu đều tổ chức ra Việt Minh và các hội Cứu quốc, huấn luyện chính trị, quân sự và tổ chức học văn hóa, xóa nạn mù chữ đến đó. Mặc dù địch khủng bố gắt gao, nhưng phong trào Việt Minh và con đường “Nam tiến” về xuôi được mở rộng vững chắc, lực lượng vũ trang ở các cơ sở ngày càng phát triển, khí thế cách mạng dâng cao.

Theo chỉ thị của Người, ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Đội đã mở trận đánh tiêu diệt đồn Phai Khắt và đồn Nà Ngần, cổ vũ tinh thần đấu tranh của nhân dân ta. Con đường “Nam tiến” hình thành hành lang chính trị và vũ trang vững chắc. Ngọn lửa cách mạng từ đầu nguồn Pác Bó tỏa đi các hướng về xuôi trong khí thế hừng hực cho Tổng khởi nghĩa.

ĐẾN TÂN TRÀO – THỦ ĐÔ KHU GIẢI PHÓNG

Sau một thời gian đi Trung Quốc để tranh thủ Mỹ, lãnh tụ Hồ Chí Minh về Pác Bó. Đầu tháng 5/1945, Người quyết định rời Pác Bó về Tân Trào (Tuyên Quang) để kịp thời chỉ đạo cao trào kháng Nhật cứu nước đang sục sôi trong cả nước. Thời gian Người ở Pác Bó, được nhân dân kính yêu, bao bọc, chở che, vượt qua mọi hiểm nguy, nghĩa tình sắt son. Trước khi đi Tân Trào, chỉ riêng ở Pác Bó, Người thông báo cho Ban Việt Minh và các đoàn thể Cứu quốc là Người “có chuyến đi công tác xa”.

Trước giờ xuất phát, Người tập hợp đoàn nêu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyến đi, phân công nhiệm vụ cho từng người và căn dặn: “Đây là chuyến công tác hết sức khẩn trương, gian khổ, đường đi dài, phải tuyệt đối giữ bí mật. Đồng chí nào được phân công nhiệm vụ gì phải cẩn trọng, thực hiện đúng nguyên tắc, điều lệnh quy định, nếu gặp bất trắc phải có sự chỉ huy thống nhất, hành động mau lẹ, đảm bảo an toàn”. Mờ sáng ngày 4/5/1945, Người cùng 25 cán bộ rời Pác Bó theo đường “Nam tiến” về Tân Trào (Tuyên Quang). Đi đến đâu, đồng bào đều đón tiếp chu đáo, giúp đỡ nhiệt tình, khi tiễn đưa đều lưu luyến, bịn rịn dõi theo bước chân Người.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng) được tôn tạo, xây dựng khang trang.

Hành trình của Người và đoàn dài hơn 400 cây số biết bao hiểm nguy trước sự truy sát của mật thám và quân Nhật, phải vượt qua bao sông suối sâu, đèo cao, rừng rậm, điển hình là dãy núi dựng đứng Phja Bjoóc cao hàng nghìn mét, quanh năm mây mù bao phủ, rừng rậm, có nhiều thú dữ.

Đoàn đi qua 10 huyện của 3 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, có 13 điểm nghỉ lại dừng chân qua đêm. Tới đâu, Người đều tranh thủ thời gian tuyên truyền về chủ trương của Mặt trận Việt Minh, vận động các hội Cứu quốc và Việt Minh địa phương đoàn kết, đấu tranh ngoan cường, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng đứng lên giành chính quyền khi thời cơ đến.

Cùng với các đội “Nam tiến”, cuộc hành trình từ Pác Bó đến Tân Trào của lãnh tụ Hồ Chí Minh có ý nghĩa lịch sử lớn lao. Đó là bước chuyển địa điểm của cơ quan và lãnh tụ tối cao của cách mạng Việt Nam, tạo nên sự lãnh đạo thống nhất, thuận tiện và kịp thời đối với cả nước trong cao trào kháng Nhật cứu nước, dẫn đến thành công mau lẹ của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 làm thay đổi vận nước.

Ngày 21/5/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng đoàn về đến Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Người chọn Tân Trào làm đại bản doanh để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Người chỉ thị: “Vùng giải phóng miền núi Bắc Kỳ đã bao gồm hầu hết các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang và một số vùng thuộc các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Yên, địa thế nối liền nhau, cho nên phải thành lập Khu giải phóng”, Tân Trào trở thành Thủ đô Khu giải phóng.

Tháng 8/1945, Đức đầu hàng quân Đồng minh, ở Đông Dương quân Nhật hoảng loạn, phong trào cách mạng cả nước sục sôi, điều kiện cho tổng khởi nghĩa đã chín muồi. Lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ đạo tiến hành Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng và Đại hội đại biểu quốc dân họp ở Tân Trào. Người nhấn mạnh: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù phải hy sinh đến đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”.

Ngày 13/8, Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng khai mạc, phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 15/8, khi được tin quân Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, Người đề nghị Hội nghị kết thúc nhanh để các đại biểu về địa phương phát động tổng khởi nghĩa.

Như vậy, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, tháng 5/1941 ở lán Khuổi Nặm, Pác Bó là tiền đề tiến tới tổng khởi nghĩa, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng tháng 8/1945 tại Tân Trào trực tiếp quyết định tổng khởi nghĩa.

Chiều 16/8, Đại hội đại biểu Quốc dân khai mạc họp đến ngày 17/8 dưới sự chủ trì của Người. Đại hội tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa và bầu Ủy ban Dân tộc giải phóng. Ngay sau Đại hội Quốc dân, Người gửi thư tới cả nước kêu gọi Tổng khởi nghĩa: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Đáp lời kêu gọi của Người, nhân dân ta từ Bắc chí Nam nhất tề nổi dậy tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 2/9/1945, Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam mới gắn liền với những quyết sách sáng suốt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có chủ trương chọn Pác Bó làm đầu nguồn cách mạng, thực hiện các đội “Nam tiến” về xuôi và cuộc hành trình của Người từ Pác Bó đến Tân Trào, chọn nơi đây làm Thủ đô Khu giải phóng có ý nghĩa quyết định to lớn trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, chứng minh tính đúng đắn, khoa học tư tưởng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Điền tên của bạn