Đợt mưa bão, cả vườn hoa hướng dương tan tác sau một đêm nhưng anh Sơn vẫn không nản.
Sinh ra và lớn lên ở thành phố thuộc tỉnh Hà Giang, anh Ma Hoàng Sơn trở về quê hương để lập nghiệp sau khi học đại học ở Hà Nội. Anh sống ở huyện Đồng Văn, quê vợ, để làm du lịch. Đầu năm 2017, anh quyết định thuê ngọn đồi cằn cỗi ở trạm dừng chân Mã Pí Lèng để làm vườn hoa.
Dù đã dành thời gian nghiên cứu trước hàng tháng trời nhưng tới khi bắt tay làm, anh Sơn vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Khu đồi rộng 800 m2 cằn cỗi, chủ yếu là đá và đất bạc màu. Chỉ có vợ anh đặt niềm tin ở chồng còn đa số người xung quanh đều lo ngại và cản trở vì ý tưởng “kỳ quặc” này.
Bởi vậy, anh Sơn phải thuê người dân tộc phát cỏ dại, gùi đất lên đồi, đổ vào từng hốc đá, làm bậc thang đá dẫn lên vườn.
Ngọn đồi cao 15-20m nên gió mạnh, cộng thêm thời tiết khắc nghiệt nên chủ vườn đã trải qua nhiều thất bại khi thử nghiệm các giống hoa khác nhau. Mùa hè năm 2017, một cơn bão lớn đã làm tan tác cả vườn hoa hướng dương đang nở rộ. Đợt hoa tulip mới trồng 1.000 củ cũng chỉ sống được khoảng 300 cây.
Thời tiết vùng cao biến đổi thất thường khi ban ngày hanh khiến đất khô nhanh, tối sương ẩm làm sâu bệnh tràn lan. Sau một thời gian dài, anh trồng chủ yếu giống hồng cổ Sapa, giá thành cao nhưng thích hợp với điều kiện khí hậu ở đây.
Ngoài các hoa trồng lâu năm, anh Sơn còn lựa chọn các cây hoa đẹp ngắn ngày để vườn hoa luôn có màu sắc rực rỡ.
Trước đây, anh Sơn chưa có kinh nghiệm làm vườn, trồng hoa nhưng sau nhiều kinh nghiệm cay đắng, anh đã tự mình chăm được cây. Hiện anh làm giám đốc một công ty du lịch. Có thời gian rảnh, anh lại tự mình lên chăm sóc, tỉa cây.
Hiện tại, số tiền anh đầu tư cho khu vườn đã lên tới 500 triệu. Vườn hoa thu hút được khá đông người tới thăm.
Ở một số khoảng vườn, anh Sơn trồng thêm tam giác mạch – loại hoa quen thuộc của đất Hà Giang. Tuy nhiên, anh không phát triển rộng cây hoa này vì phải tốn nhiều thời gian làm đất sau mỗi mùa. Ngoài ra, anh cũng muốn vườn của mình phong phú hơn.
Ban Mai
Ảnh: Hoàng Sơn