Bỏ ra 4000 đồng để mua lại một cái bát cũ của đứa trẻ ăn xin đang rất cần tiền, người đàn ông không ngờ 15 năm sau đó, có ngày ông được nhận lại nhiều đến thế.
Trong một phòng bệnh của bệnh viện nọ, một người đàn ông trung niên tóc hoa râm tay run rẩy cầm một lá thư, nước mắt không ngừng tuôn rơi.
Lau khô nước mắt, ông quay người lại hướng sang phía người mẹ già đang nằm trên giường bệnh: Mẹ, bệnh của mẹ được chữa rồi!
Bà cụ mấp máy miệng nhưng không nói lên lời, chỉ thấy nước mắt ngân ngấn nơi khóe mắt. Người đàn ông trung niên đưa lá thư cho bà cụ.
Bức thư của người lạ
Chú Vương, chào chú!
Chú cháu mình đã 15 năm không gặp nhau, mong chú hiểu cho cháu, cháu không đích thân đến thăm chú vì cháu sợ chú sẽ từ chối cháu, vì thế chú đọc bức thư này xem như chú cháu mình đã gặp nhau!
15 năm trước, bố cháu bệnh nặng không ra được khỏi giường, mẹ cháu vì thế mà bỏ bố con cháu đi. Cháu khi đó còn nhỏ, bạn bè thân thích không nhờ cậy được ai.
Để có tiền chữa bệnh cho bố, cháu đã gõ cửa khắp các gia đình thân thích nhưng chẳng một ai ra tay giúp đỡ. Họ đều cho rằng cháu không thể nào trả nợ cho họ được.
Không còn cách nào khác, cháu phải đi ăn xin. Cháu viết lên một tờ giấy thật to, rằng ai đồng ý cho cháu vay 4000 đồng tiền viện phí, trong 10 năm tới cháu sẽ làm trâu làm ngựa để trả tiền cho họ. Người qua đường rất đông nhưng chẳng ai để tâm đến cháu, họ đều cho rằng cháu là kẻ lừa đảo.
Cho đến khi gặp được chú, dường như chú không đọc mấy dòng chữ cháu viết mà cúi xuống nhặt cái bát cháu dùng để cố định tờ giấy lên trước sự kinh ngạc của những người xung quanh, bình tĩnh nói: “Cái bát này là bảo vật từ thời Càn Long, ta sẽ trả cháu 2000 đồng để mua nó.”
Khi đó cháu còn chưa tin, vẫn nghi ngờ. Tiếp đó người đi sau chú lại hô lớn, rằng ông ta sẵn sàng bỏ ra 4000 đồng để mua cái bát của cháu. Lúc đó cháu mới tin cái bát vỡ của mình đáng giá đến thế. Cháu đã vô cùng sung sướng vội vã bán bát rồi chạy về nhà.
Khi bố cháu được chữa khỏi bệnh, cháu mới đem chuyện kể cho bố nghe. Và đến khi đó, cháu cũng mới biết chiếc bát đó là giả, không phải hàng thật.
Cháu đã đoán rằng có khi nào chú không nhận ra đó là bát giả. Về sau, cháu tìm hiểu thì được người mua cái bát của cháu là bạn chú và cuối cùng, nó thuộc về chú chứ không phải người kia. Chú lại là một thương gia chuyên bán trang sức đắt tiền và đồ quý, làm sao chú có thể không phát hiện ra cái bát của cháu là giả được.
Tìm hiểu kỹ hơn, cháu còn biết chú vẫn hay dùng cách này để giúp không ít người. Và đến lúc đó, cháu hoàn toàn tin rằng chú đã cố ý giúp cháu nên mới cùng bạn diễn kịch như vậy.
Hơn nữa trước khi chú đi, chú còn nói với cháu rằng sau này không được làm ăn mày nữa, phải tự lực cánh sinh, làm một người có ích cho đời!
Những lời dặn của chú cháu giờ vẫn còn nhớ như in, không dám quên. Cháu nhất định sẽ làm một người có ích. Cũng nhờ có chú mà bây giờ cháu mới thành công, trở thành một ông chủ trong cách gọi của mọi người.
Nhờ có 4000 đồng của chú năm nào mà bố cháu mới khỏi bệnh, mới có thể nuôi cháu đi học để có được hôm nay. 4000 đồng năm đó, cháu biết rằng mình đã đi gõ cửa tất cả những nhà họ hàng thân thích nhưng không ai tình nguyện giúp.
Vậy mà chú, một người lạ không quen biết lại tin tưởng cháu đến vậy.
Những năm qua, cháu biết chú bị bạn bè lừa gạt, lâm vào cảnh khó khăn, phải làm nhiều việc để bám trụ lại. Nhưng sự đời khó lường, mẹ chú đột ngột mắc bệnh nặng chỉ sau một đêm. Vạn bất đắc dĩ, chú phải nhờ đến những người mình từng giúp nhưng lại bị từ chối.
Cháu cũng đã từng nghĩ cách giúp chú nhưng không biết chú nghĩ sao lại không chấp nhận sự giúp đỡ từ người lại. Bởi thế nên cháu mới phải chọn cách này.
Người ta nói rằng người tốt không được đền đáp tử tế nhưng cháu không tin người tốt như chú tại sao lại không có phúc báo!
Chi phí phẫu thuật của mẹ chú cháu đã thanh toán xong. Trong phong bì thư này có một chiếc thẻ, cháu để sẵn vài chục nghìn đồng, mật mã là xxxxxx, chú giữ lại phòng khi có việc gấp, nếu không đủ, chú cứ gọi điện cho cháu.
Chú không cần phải cảm ơn cháu vì cháu chỉ là một thằng bé bán bát giả cho chú mà thôi. Không có chú, sẽ không có cháu ngày hôm nay!
Lời bình
“Thiện hữu thiện báo, ác giả ác báo” – từ bao đời nay, câu nói này vẫn được lưu truyền và bảo lưu giá trị. Câu chuyện trên đây chẳng phải là một ví dụ điển hình đó sao?
Theo Trí thức trẻ