Cũng là cán bộ cả, cũng là những người do dân bầu nên, ăn lương Nhà nước, sống bằng tiền thuế của dân, nhưng thái độ và cách ứng xử của họ với dân lại một trời một vực.
Thông tin ngày cuối tháng 2/2018 khiến tôi, một người dân, cảm thấy bất ngờ xen lẫn thú vị. Tác giả Phạm Nguyễn phản ánh trên Dân trí về vị nữ Chủ tịch phương “kết bạn” với dân bằng… móc chìa khoá.
Cụ thể, từ tháng 3/2017 đến nay, bà Trần Thị Hồng Cúc, Chủ tịch UBND phường Tân Thành (quận Tân Phú, TPHCM), đã phát đi hơn 6.000 chiếc móc chìa khóa có in sẵn số điện thoại lãnh đạo phường và trực ban công an cho gần 6.000 hộ dân trên địa bàn phường.
Đây là một trong nhiều chương trình làm tăng tính gắn kết giữa người dân và chính quyền địa phương. Từ chiếc móc khóa luôn bên mình, người dân kịp thời trình báo những vụ việc liên quan đến đời sống, an ninh, chính trị xã hội trên địa bàn.
Bà Cúc nói: “Muốn người dân tin tưởng thì hãy làm bạn với người dân”. Một chân lý rất đơn giản, nhưng không phải cán bộ nào trong bộ máy chính quyền cũng nhận ra (hoặc có lẽ họ cố tình không biết, không hiểu).
Mới cách đây không lâu, dư luận còn xôn xao vụ Phó Chủ tịch quận đậu xe sai quy định và tranh cãi với dân, hay cán bộ xã, phường kiểm tra tình hình lũ lụt trên địa bàn nhưng bắt người dân phải cõng, phải kéo bè… rất phản cảm. Tệ hơn là nhiều vợ lãnh đạo xã “đi lạc” vào sổ hộ nghèo để trục lợi tiền của Nhà nước ở Nga Sơn, Thanh Hoá ngay đầu năm 2018 này…
Cũng là cán bộ cả, ăn lương Nhà nước, sống bằng tiền thuế của dân, nhưng thái độ và cách ứng xử của họ với dân lại một trời một vực.
Trong khi có những người tâm huyết với công việc, trong phận sự của mình luôn tìm cách để gần gũi nhân dân, hiểu dân và làm những điều có lợi cho dân như bà Hồng Cúc thì cũng lại có rất nhiều cán bộ khác tự cho mình cái quyền được sống ở một “đẳng cấp” khác so với phần lớn dân chúng còn lại.
Đó là bộ phận cán bộ mà theo cách nói hiện nay là “tha hoá”, “tự chuyển biến”, luôn tìm đủ mọi cách để vun vén lợi ích về cho mình, lợi dụng chức quyền để trục lợi dù có khi chỉ là chút chức tước ở cấp thôn, cấp phường, cấp xã mà thôi.
Nhiều năm trở lại đây, khi Thủ tướng và Chính phủ nỗ lực xoá bỏ tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, cải tổ lại bộ máy hành chính thì một tình trạng mà năm nào cũng bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra là “bệnh lười” tiếp dân của lãnh đạo địa phương.
Thật không hiểu nổi nếu không đối thoại, không lắng nghe nguyện vọng của người dân sở tại thì cán bộ sẽ điều hành kiểu gì, nhưng một điều chắc chắn rằng: Mọi sự trốn tránh, tảng lờ đều chứa đựng cái gì đó bất minh, không minh bạch!
Khi thông tin về 6.000 chiếc móc chìa khoá của bà Chủ tịch phường Tân Thành tại TPHCM “hút” quan tâm dư luận. Song, những mừng vui, bất ngờ, tôi thấy có cái gì đó dường như… không được ổn.
Lý do là việc làm đó dù đáng hoan nghênh, nhưng âu cũng là điều đáng phải làm, là trách nhiệm của người cán bộ phường xã với nhân dân trên địa bàn. Vậy cớ sao thông tin đó lại trở nên có vẻ như cá biệt, đơn lẻ và gây bất ngờ cho người khác như vậy? Hàng nghìn phường xã khác trên cả nước, cán bộ ứng xử ra sao, đang xa dân hay đang gần dân?
Một căn nhà vững phải chắc từ nền móng. Và thật khó để đất nước hùng cường nếu dựa vào hệ thống xã thôn lỏng lẻo, dung chứa những cán bộ không tài cán cũng chẳng tâm huyết lại còn xa cách với nhân dân.
Bích Diệp