Vẫn có người “trả chức vụ” khi việc công được hứa trước Dân không thành hoặc xin “nghỉ sớm” để nhường vị trí lãnh đạo cho lớp trẻ, nhưng, mấy vị ấy chỉ là “quan nho nhỏ”, lại rất thưa thớt.
Cái gốc thể chế vững mạnh
Xem khắp trong lịch sử từ cổ tới kim, dù bất cứ ở đâu, dẫu bất kể thời nào, cổ nhân ta cũng coi trọng, biểu dương, nêu cao và giữ gìn Liêm, Sỉ! Vì đặng làm một người chân chính thì dù là ai, cũng không thể xa rời Liêm, Sỉ!
Ấy là cái Hồn để chăm cho cái Căn bản con người xứng đáng là Con người, cái Cốt để vun cho cái Gốc thể chế vững mạnh. Vì muốn xứng đáng một quốc gia thì cần phải có Quốc sỉ, Quốc thể.
Liêm Sỉ và Quốc sỉ là những riềng mối căn bản làm nên địa vị, tiếng tăm, sức mạnh một con người; vị thế, sức mạnh và thanh danh Đất nước!
Vậy, Liêm sỉ là gì mà khiến muôn thời, muôn người phải đau đáu, chăm lo và bảo vệ như điều mệnh hệ và sinh tử đến thế?
Thanh sạch, liêm khiết ấy chính là Liêm. Người liêm khiết thì bất luận gặp hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham cầu, cũng chẳng muốn ham hố vật chất. Hơn nữa, chính là tinh thần chí công vô tư, “dĩ công vi thượng” và biết quên mình mà làm chuyện ích lợi chung. Người liêm khiết thì luôn giữ cho nhân cách được vẹn toàn, thanh danh được thơm tho, không lợi dụng địa vị mình để chiếm công vi tư, để nhũng nhiễu, bóc lột người khác. Một công bộc liêm chính phải: có đức, tài, biết kính trọng nghề nghiệp, vui vẻ với mọi người, công chính vô tư, biết lễ biết phép, biết hay dở phải trái… Chung quy, một người liêm chính là người tài đức xứng với danh vị của mình, với chức tước, phận vị của mình.
Liêm cũng là thấy của người, của quốc gia mà lòng không ham chiếm đoạt một cách phi pháp. Tức là biết xét nét đâu là giới hạn giữa công và tư, rồi không dám làm điều xấu, điều trái với quốc pháp và đạo lý luân thường. Nhất là không che đậy điều xấu, nghĩa là đức hạnh vẹn toàn. Nếu không Liêm thì của gì cũng cả gan lấy, không Sỉ thì việc gì cũng bất chấp làm. Người mà đến như thế, thì không chỉ rước họa thân bại danh liệt, và thử hỏi còn tai họa nào mà chẳng đến. Huống chi lại là kẻ làm quan mà cái gì cũng mưu đoạt, việc gì cũng bằng mọi thủ đoạn làm, thì sao mà thiên hạ thái bình, quốc gia hưng thịnh cho được!
Sỉ là biết xấu hổ, tức là biết hổ thẹn. Gặp chuyện gì không hợp đạo lý, đi ngược lại với lương tâm của mình thì tuyệt đối chẳng làm. Sẽ là mang tiếng xấu hổ vì khi không làm tròn phận sự mình, vì những điều xằng bậy mình đã trót nhúng chàm. Càng là xấu hổ vì đã không theo đến cùng lý tưởng đã vạch ra. Xấu hổ là lúc trong lòng thì gian ác, xấu xa mà bên ngoài mặt thì dùng lời nói hay, bộ tịch khéo léo, lịch sự để che đậy. Xấu hổ là khi bề trong thì oán ghét người, mà bên ngoài lại giả tảng thân thiết. Xấu hổ là khi trong nước còn nghèo, người dân còn phải bươn chải, mà mình dùng những phương tiện bất chính để trở nên “sang trọng bất thường”, dư dật kệch cỡm. Xấu hổ là lúc nào cũng bo bo nghĩ đến lợi lộc, áo cơm vị kỷ nhiều hơn nghĩ tới gia phong, vận nước.
Người xưa nói, xấu hổ khi tài đức không xứng với chức vị. Xấu hổ là biết sợ… chính mình!
Cùng với Lễ, Nghĩa, thì Liêm, Sỉ hợp thành bốn đầu dây của một quốc gia. Một đầu dây lỏng lẻo thì nước phải nghiêng. Hai đầu dây cùng lỏng lẻo thì nước phải nguy. Ba đầu dây lỏng lẻo thì nước phải đổ. Bốn đầu dây đều lỏng lẻo thì nước phải diệt. Nếu nghiêng thì còn làm cho ngay lại được; nếu nguy có thể làm cho yên được; nếu đổ thì có thể nâng lên được; nếu diệt thì chẳng còn gì để nói.
“Buôn bán niềm tin” của dân
Mấy năm nay, thử ngó trông mấy người đứng ra “giải trình” mà chưa đã. Cả tiếng “minh bạch hóa” nhưng lại không làm rõ về sự phất lên chóng mặt đến mức bất thường của những khối tài sản to sụ của họ: những “biệt phủ”, những “của nả như núi”, bào chữa cho “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích”, thậm chí nhen nhóm cả những “sứ quân”…
Nhìn những bản “tự kiểm điểm”, “rút kinh nghiệm” chốn công vụ của những người “lẻn” vào chốn quan trường, rắp “cả họ làm quan”, “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ…” mà không ai không… phẫn nộ.
Tệ hơn, cả thói hành xử xa lạ với thứ văn hóa làm người ở nước ngoài, bất chấp thanh danh người Việt Nam, làm phương hại thể diện quốc gia.
Có những người rình rập “cuỗm lấy” trăm, nghìn tỷ đồng trong quốc khố, giở trò “đạo vị” bất chấp Liêm, Sỉ ở chốn công đường, thậm chí cả mưu mô “ăn cắp, buôn bán niềm tin” của Nhân dân mà không biết sợ “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”…, lại còn lên mặt rao giảng nghĩa khí.
Và, sự hành Sỉ bị họ bôi nhọ, bẻ cong, chặt cụt, báng bổ cả đạo lý ở đời, chỉ thoáng thấy thôi, nhưng cũng đủ khiến bất cứ ai ai, dù hiền từ nhất, cũng không thể không bị xúc phạm và nổi giận, mà họ vẫn cứ nhởn nhơ!
Liêm, Sỉ là nền tảng của đạo làm người. Chính những người ấy, chứ không phải ai khác làm cho phong tục suy đồi, khiến cho chính thể tổn thương, niềm tin nơi Nhân dân bị xâm hại.
Nếu cho Liêm, Sỉ là sự xấu hổ chung cho cả nước, mà họ “nhân danh” mọi thứ hành xử như thế, dù trong bờ cõi hay ngoài cương thổ, thì Quốc sỉ bị tổn thương.
Ở đời, những công bộc giữ Sỉ thì hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm kia sẽ còn; chứ khi Liêm, Sỉ đã mất, nhất là Sỉ, thì còn gì là luân thường đạo lý ở đời, ai còn mong, còn tin cậy vào chính nghĩa quang minh nơi đâu được nữa? Nhất là với những người giữ trọng trách, dù ở cấp nào, mà Liêm bị khinh, Sỉ bị hạ, thì danh dự quốc gia như “trứng để đầu đẳng”.
Lúc ấy, thì như “Gươm treo chỉ mành” kia hoặc như “Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ” thì còn ai, còn đâu mà nói về Liêm, về Sỉ, mà luận về Quốc sỉ hay Quốc thể được nữa!
Vì thế, dù cho thế nào, đã bao thời qua và nay muôn dân đã xác quyết: Ai đó có thể bị nghiêng, ai đó có thể tự diệt, vì không Liêm, Sỉ, chứ quyết không thể để Nước nghiêng, bị diệt hay tự diệt. Thế nên, thiển nghĩ, cùng với Lễ, Nghĩa thì Liêm, Sỉ nhất định phải được gìn giữ vẹn toàn, để mỗi người trở thành Người, để Quốc gia vững bền, Dân tộc cường thịnh! Liêm sỉ được tôn vinh, Quốc sỉ, do đó, mà ngày càng cẩn trọng nâng niu, Quốc thể theo đó mà ngày càng vững vàng, tỏa sáng!
Càng trông, càng ngẫm những chuyện như thế, nhỏ thì thử hỏi ai mà không lo cho Liêm, Sỉ, đạo lý ở đời bị nhiễu loạn; lớn thì không thể không tự vấn rằng, mọi cấp, mọi ngành, nơi đâu không canh cánh lo âu về sự vinh nhục của Quốc sỉ nước nhà, địa vị và uy tín cao thấp của Quốc thể giang san xã tắc.
Nhớ câu chuyện hơn 88 năm trước, khi ông Nguyễn Đức Cảnh được giới thiệu gia nhập Trung ương Đảng lâm thời, đã từ chối và đề cử đồng chí của mình là Trần Văn Lan, mà xiết bao cảm phục trước một nhân cách lớn, có thể là nói tấm gương mang tầm vóc một lãnh tụ.
Và nay, trước nghĩa cử “treo ấn từ quan”, “cởi áo”, “trả lại chức vụ” khi việc công được hứa trước Dân mà không thành do lẻ loi, do bị vô vàn “lực cản” hữu hình và vô hình ngáng trở; lại có người xin “về nghỉ sớm” trước mấy năm, để nhường vị trí lãnh đạo của mình đang nắm giữ cho lớp trẻ… thấy vui vì cái Liêm, Sỉ về sự “tri túc, tri chỉ” (biết đủ, biết dừng) hẵng còn vằng vặc sáng trong đời. Nhưng, lo ngại rằng, mấy vị ấy chỉ là “quan nho nhỏ”, lại rất thưa thớt.
Vì thế, hiện thời, chẳng thể lùi bước và quyết không thể không làm: Khi Đạo lý chưa đủ răn, Liêm sỉ chưa đủ thức, Đạo đức chưa đủ chuyển, Trách nhiệm chưa đủ buộc, Hậu họa chưa đủ sợ, Tự thân chưa quyết sửa, chưa biết tự xử (tối thiểu là từ chức hay “tam ban từ điển” như xưa)… thì Pháp lý phải được toàn dụng,
Dư luận kiểm soát phải được tôn vinh, với tinh thần Dân chủ, muôn người Bình đẳng, với phương châm “Quốc pháp vô thân”!
Không trừ một ai, không ngoại lệ một cấp nào, không bỏ sót một nơi đâu!
Nhị Lê (Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản)