Hàn, Triều bắt đầu tháo dỡ trạm gác dọc biên giới

0
632

Hàn Quốc sẽ còn 60 trạm gác trong khi Triều Tiên duy trì 160 trạm gác sau hoạt động tháo dỡ nhằm giảm căng thẳng ở khu vực biên giới.

Binh sĩ Hàn Quốc chào cờ trước khi rút khỏi một trạm gác ở Khu Phi quân sự tại Gangwon-do hôm 2/11. 

Các lực lượng quân sự Hàn Quốc và Triều Tiên hôm 11/11 bắt đầu tháo dỡ 20 trạm gác ở Khu Phi quân sự (DMZ) sau khi đã rút lính gác và dỡ bỏ vũ khí tại những vị trí này, Yonhap dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết.

Khi hoạt động tháo dỡ hoàn tất, Hàn Quốc còn khoảng 60 trạm gác, trong khi phía Triều Tiên còn khoảng 160 trạm. Đây là bước khởi đầu để hai bên có thể tiến tới xóa bỏ toàn bộ trạm gác ở khu vực biên giới.

Trong đợt hội đàm quân sự tháng trước, các tướng Hàn Quốc và Triều Tiên thống nhất tiến hành các biện pháp xây dựng lòng tin, giảm căng thẳng, ngăn chặn các vụ đụng độ không lường trước và mỗi bên sẽ dỡ bỏ 10 trạm gác, cắt giảm lực lượng canh gác của mỗi bên xuống còn 35 người, đồng thời chia sẻ thông tin về các thiết bị giám sát biên giới. Quân đội Hàn, Triều hồi đầu tháng 10 bắt đầu gỡ bỏ mìn xung quanh khu vực DMZ.

Dưới thời Tổng thống Moon Jae-in, Hàn Quốc theo đuổi chính sách thân thiện với Triều Tiên, trong khi đồng minh của họ là Mỹ luôn khẳng định phải duy trì áp lực cho đến khi Bình Nhưỡng hoàn toàn phi hạt nhân hóa. Tại hội nghị thượng đỉnh lần ba diễn ra tại Bình Nhưỡng hồi tháng 9, ông Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã thống nhất giảm căng thẳng dọc biên giới.

Trên thực tế, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh, bởi cuộc chiến 1950-1953 mới chỉ kết thúc bằng một hiệp định đình chiến, không phải hiệp ước hòa bình. Tuy nhiên, quan hệ hai miền đã được cải thiện đáng kể trong năm nay khi Moon và Kim thực hiện hàng loạt các bước hòa giải đầy thiện chí.

Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tổ chức hội nghị thượng đỉnh lịch sử hồi tháng 6 tại Singapore và ký tuyên bố chung, song không có nhiều tiến bộ đạt được do hai quốc gia còn nhiều bất đồng về vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Cuộc đàm phán giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Phó chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol tuần trước đã bị trì hoãn do Bình Nhưỡng “chưa sẵn sàng”.

Hải Quân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Điền tên của bạn