GÂY RỐI, PHÁ HOẠI ĐỂ PHẢN ĐỐI ĐẶC KHU: ẢNH HƯỞNG KHÔNG NHỎ ĐẾN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ!

0
410

Trao đổi với PV, ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên Chính sách công Đại học Fulbright Việt Nam đã giải thích cơ chế gây ra sự quá khích của số đông và cho rằng những hàng động quá khích tại một số nơi mấy ngày vừa qua sẽ ảnh hưởng nhiều đến môi trường đầu tư lẫn môi trường kinh doanh của Việt Nam.

           Ông Huỳnh Thế Du – Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright.

Vừa qua, người dân ở một số địa phương xuống đường gây náo loạn, đập phá để phản đối luật đặc khu mặc dù luật này đã được lùi thông qua. Điều này có ảnh hưởng như thế nào tới môi trường đầu tư của Việt Nam, thưa ông?

-Việc gây rối, có những hàng động quá khích như vậy sẽ ảnh hưởng nhiều đến môi trường đầu tư lẫn môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Một trong những yếu tố được nhà đầu tư đánh giá cao thời gian quan đó là sự ổn định chính trị xã hội ở Việt Nam. Nhà đầu tư cảm thấy yên tâm và đầu tư. Nhưng sau những vụ việc như này, việc suy giảm lòng tin là điều khó tránh khỏi.

Khi cảm thấy không an tâm, nhiều nhà đầu tư có thể sẽ phải tính toán lại chiến lược kinh doanh đầu tư lâu dài. Đặc biệt là trong bối cảnh nhiều chi phí gia tăng như chi phí lao động thì càng có thêm yếu tố khiến nhà đầu tư đắn đo.

Khi môi trường đầu kinh doanh bị tác động, rủi ro cho nên kinh tế tăng lên. Khi rủi ro tăng lên thì triển vọng tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Kết quả công ăn việc làm giảm, đời sống của người dân cũng khó khăn hơn.

Việc cải thiện môi trường đầu tư thời gian qua được nhà nước hết sức quan tâm. Liệu những nỗ lực này có vì những bất ổn như vừa qua làm ảnh hưởng?

Môi trường đầu tư có rất nhiều yếu tố như thủ tục hành chính, thể chế pháp lý… Khi nhà đầu tư nhìn vào thì sẽ cân nhắc, xem xét rất nhiều yếu tố. Trong đó, môi trường vĩ mô, ổn định chính trị chỉ là một trong nhiều nhân tố.

Tôi cho rằng môi trường tổng thể có khả năng bị ảnh hưởng nhưng những cái gì đã được cải thiện trong thời gian quan về thể chế hay về những mặt khác thì vẫn theo đà phát triển bình thường và được ghi nhận.

Theo ông, các cơ quan chức năng giờ cần phải có hướng đi như thế nào để ổn định người dân và lấy lại niềm tin của nhà đầu tư?

-Có các động thái trấn an đối với nhà đầu tư, đặc biệt đối với các doanh nghiệp ảnh hưởng hay những doanh nghiệp quan trọng, chính quyền cần có động thái như gặp gỡ, trao đổi thể hiện quan điểm, bảo vệ tài sản cho họ… Đây là những việc cần làm ngay.

Có thể thấy, nhu cầu tham gia của người dân ngày càng tăng cao khi độ mở của xã hội ngày càng cao. Nhu cầu tham gia vấn đề xã hội, đóng góp tiếng nói của người dân tăng lên, nhà nước cần ý thức được việc đó và phải tạo ra cơ chế thảo luận, đối thoại cởi mở hơn.

Không còn cách nào khác đó là tạo dựng niềm tin bằng cách tạo ra cơ chế đối thoại thực chất và sống động. Cần phải biến khẩu hiệu nhà nước của dân, do dân và vì dân thành hiện thực.

Dự thảo luật đặc khu đã được lùi thời gian thông qua để xem xét, hoàn thiện. Ông có đóng góp ý kiến, quan điểm của mình như thế nào đối với dự thảo luật này không?

-Tôi là người lên tiếng không ủng hộ việc lựa chọn đặc khu với 3 địa điểm như hiện nay từ rất sớm. Lý do đơn giản là kết quả nghiên cứu và những hiểu biết của mình cho thấy cơ hội thành công rất thấp.

Để đặc khu kinh tế có thể thành công thì vị trí nơi có thị trường rộng lớn, nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào và hệ thống các dịch vụ hỗ trợ dày đặc là hết sức quan trọng, chứ không phải đưa ra những ưu đãi cao hơn thì coi đó là vượt trội.

Đối với ba đặc khu kinh tế đang được chọn hiện nay, có thể có những nhân tố tiềm năng nhưng không hiển hiện bằng Hà Nội và TP.HCM. Hơn thế, nếu đặc khu ở Hà Nội và TP.HCM thành công thì có sức lan tỏa lớn hơn rất nhiều. Nếu muốn làm thì cần phải chọn đúng vị trí và thiết kế thể chế phù hợp.

PV CB EXPRESS tổng hợp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Điền tên của bạn