Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cảnh báo, có những thói quen là căn nguyên dẫn đến bệnh tật, nhưng nhiều người Việt vẫn chưa thể từ bỏ.
Thực phẩm tích trữ dịp Tết đủ ăn hết tháng giêng!
Tâm lý nhiều người người Việt cả năm mới có cái Tết, nên nhà nhà, người người tích trữ thực phẩm. Thực phẩm càng nhiều, giết lợn, mổ bò, vài chục cái bánh chưng, ăn Tết càng to thì càng thể hiện sung túc, nên nhà nào cũng cố tích trữ thực phẩm. Rồi bánh trái, đồ ăn, hướng dương, hạt điều, nước ngọt, rượu bia… không thiếu bất cứ thứ gì.
“Nhiều nhà, tủ lạnh trở nên quá tải, “ép” hết cỡ mới đóng được cánh tủ đông đá, tủ lạnh ngăn mát cũng chật ních đủ loại đồ ăn từ giò, thịt đông, cá, tôm…”, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, BV Bạch Mai cho rằng, thói quen tích trữ đồ ăn ngày Tết của người Việt không thể bỏ bởi đi sâu vào tiềm thức, tâm lý, lo ngại thiếu đồ ăn thì “rông” cả năm. Thế nên “thừa hơn thiếu”, nhiều gia đình chất đầy ứ thức ăn trong tủ lạnh, khiến tủ “thở” cũng không nổi và là căn nguyên khiến thực phẩm bị giảm chất lượng, thậm chí hỏng nên khi ăn vào bị đau bụng.
Trong khi đó, Ở các tỉnh miền Bắc, dịp Tết Nguyên đán thường hay có mưa phùn, thời tiết ẩm ướt tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Vì thế, thực phẩm bảo quản không tốt rất dễ bị nấm mốc, gây ngộ độc cho người sử dụng.
Bánh chưng, các loại hạt đều có thể bị mốc và khi mốc có độc tố aflatoxin thì rất nguy hiểm. Trong khi đó ở miền Nam, thời tiết nóng, các loại thực phẩm có nhiều đạm như thịt, cá dễ bị ôi thiu.
Vì thế, theo Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong, người dân nên thay đổi thói quen tiêu dùng trong Tết, không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm. Hiện nay, ngày mùng Một, Hai Tết, các siêu thị, các chợ đã bán hàng, sản phẩm tươi sống như thịt, cá, rau, củ quả… luôn có sẵn, đáp ứng đủ nhu cầu cho người tiêu dùng.
Thực phẩm trong tủ lạnh vẫn hỏng như thường
Nhiều người nghĩ rằng tủ lạnh chính là chiếc kho có thể bảo quản thực phẩm hiệu quả trong suốt mấy ngày Tết. Vậy nhưng năm nào cũng có nhiều trẻ em, người lớn nhập viện trong tình trạng bụng đau quặn, tiêu chảy, nôn vì ăn các đồ ăn này.
TS Dũng cho biết, tủ lạnh chỉ làm chậm lại sự phát triển của vi khuẩn chứ không loại bỏ được hoàn toàn vi khuẩn. Vì thế, vi khuẩn vẫn âm thầm sinh sôi. Trong khi đó, đưa quá nhiều loại thực phẩm vào cùng một chỗ, chỉ cần một món đồ bị nấm mốc sẽ dẫn tới nguy cơ lây nhiễm các vi trùng, nấm mốc sang các thực phẩm khác”, TS Dũng nói.
Vì thế, các bà nội trợ nên tính toán mua lượng thực phẩm vừa phải. Trước khi bảo quản thực phẩm cần lau dọn tủ sạch sẽ bằng nước ấm pha giấm. Thực phẩm cần rửa sạch, để ráo nước, cho vào túi đựng thực phẩm bọc kín, để ngăn đá tủ lạnh. Thực phẩm sống dùng ăn trong ngày để ngăn mát cũng theo nguyên tắc này, đừng thể thực phẩm “tơ hơ” trên đĩa mà hãy cho vào hộp, túi bọc kín, để ngăn phía dưới để giảm nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn từ thực phẩm sống sang thực phẩm chín. Đồ ăn chín cần bọc kín, để hộp riêng, để lên các ngăn trên cùng.
Bia rượu vô tội vạ
Ngày Tết, người Việt gặp nhau là có chén rượu mừng xuân và đây là căn nguyên của hàng loạt các tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, các ca ngộ độc rượu phải nhập viện trong những ngày Tết.
Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo vui xuân nhưng cần có chừng mực, uống vừa phải, uống rượu có nguồn gốc xuất xứ để phòng các nguy cơ ngộ độc đáng tiếc.
Hồng Hải