Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng)

0
629
  1. Sự cần thiết phải xây dựng dự án

Tỉnh Cao Bằng có đặc điểm địa hình chia cắt, vị trí địa lý xa các trung tâm kinh tế lớn của của nước, xa sân bay, xa cảng biển; đường bộ là loại hình giao thông duy nhất kết nối với bên ngoài, với các địa phương khác và thị trường lớn Trung Quốc; song hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vừa thiếu, vừa yếu, các tuyến đường hiện tại quy mô nhỏ, quanh co, đèo dốc gây mất an toàn giao thông và đặc biệt nguy hiểm trong thời tiết mưa bão, thời gian di chuyển lâu…Giao thông không thuận lợi là một trong những nguyên nhân hạn chế sự giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh với các vùng miền trong cả nước và được xác định là một trong những điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển nhiều mặt của tỉnh: khó kêu gọi đầu tư, không thuận lợi cho mở mang, phát triển du lịch, lưu thông hàng hóa,… đang là hạn chế, khó khăn lớn nhất trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển kinh tế – xã hội, giao lưu trao đổi hàng hóa của nhân dân và thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh. Nhất là phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh (nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, sản phẩm nông lâm nghiệp phong phú, ẩm thực nhiều đặc sản đặc hữu, đường biên giới dài thuận lợi cho phát triển kinh tế của khẩu,…). Đến nay Cao Bằng vẫn là tỉnh nghèo, kinh tế chậm phát triển so với khu vực và cả nước.

Hình ảnh con đường cao tốc tương lai

Trước thực tế đó, việc xây dựng tuyến đường bộ cao tốc hiện đại, kết nối nhanh chóng, thuận tiện giữa Cao Bằng với các tỉnh trong khu vực, với cả nước, ra quốc tế, có ý nghĩa nhiều mặt: kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh…Vì vậy, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, đặc biệt là đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) để kết nối với các trung tâm kinh tế – xã hội, văn hóa lớn của cả nước, với các tỉnh trong khu vực; thiết lập tuyến vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, qua Bách Sắc (Quảng Tây) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) nối với Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng, hướng ra biển thông qua cảng Hải Phòng và nối với đường Hồ Chí Minh, đường sắt xuyên Á thông đến các nước ASEAN; là vấn đề có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài đối với việc phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Nhận thức được tầm quan trọng của tuyến đường cao tốc đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh và đối ngoại của tỉnh. Trong những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã tích cực chủ động bám sát, tranh thủ sự ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương lân cận, và đã đạt được những kết quả quan trọng, phấn khởi; Dự án đường bộ cao tốc đã được hình thành và dần trở thành hiện thực.

  1. Quá trình chuẩn bị đi đến dự án được phê duyệt

Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh là quá trình chuẩn bị lâu dài, vô cùng khó khăn của tỉnh và các bộ ngành Trung ương.

Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Cao Bằng trong 2 ngày 22-23/4/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu về tình hình Cao Bằng: Tiếp tục tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương để xây dựng và phát triển đô thị; sử dụng nhiều nguồn vốn để nhanh chóng triển khai dự án đường bộ cao tốc Lạng Sơn – Cao Bằng, khu kinh tế cửa khẩu và một số dự án trọng điểm của tỉnh.

Tiếp đó, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Cao Bằng trong 2 ngày 08-09/01/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu về đầu tư tuyến đường bộ cao tốc từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) đến cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) trong giai đoạn 2016 – 2020: Đồng ý về chủ trương, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, xem xét chủ trương sử dụng khoản tín dụng ưu đãi…

Để chủ động trong việc nghiên cứu phương án đầu tư tuyến đường cao tốc, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến: Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu phương án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Trà Lĩnh – Đồng Đăng.

Năm 2016, dự án được Chính phủ đưa vào quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam định hướng đến 2030 triển khai với tổng mức đầu tư trên 47 nghìn tỷ đồng (theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 01/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ). Song do tổng vốn đầu tư dự án quá lớn so với khả năng của địa phương, đồng thời khả năng thu hồi vốn chậm do lưu lượng vận tải dự kiến thấp, nên mặc dù các thế hệ lãnh đạo tỉnh đã nỗ lực tìm cách triển khai nhưng trong suốt thời gian dài sau đó không thể tìm kiếm được nhà đầu tư.

Đến năm 2018, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả (trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh), là doanh nghiệp, Nhà đầu tư có tiềm lực, uy tín hàng đầu cả nước về hạ tầng giao thông đã đề xuất tham gia nghiên cứu dự án. Từ năm 2018, Tập đoàn Đèo Cả đã đồng hành cùng tỉnh Cao Bằng nghiên cứu dự án giao thông cao tốc nêu trên một cách tổng thể và có những nghiên cứu, đề xuất rất quan trọng, hiệu quả. Với việc tối ưu hóa phương án tuyến bằng cách điều chỉnh hướng tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh kết nối vào tuyến cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam có chiều dài 17,5km. Xây dựng các công trình hầm giao thông xuyên núi, cầu cạn vượt địa hình nhằm giảm chiều dài tuyến cao tốc, giảm chi phí đầu tư và kết nối với tuyến cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn. Do vậy, tổng chiều dài tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh theo khảo sát, nghiên cứu đề xuất của Tập đoàn Đèo Cả sẽ rút ngắn xuống còn 115 km so với 144 km theo quy hoạch (giảm 29 km); tổng vốn đầu tư dự án sẽ giảm còn hơn 21.000 tỷ đồng, giảm trên 50% chi phí đầu tư so với tổng vốn đầu tư dự kiến quy hoạch trước đó.

Lễ động thổ tuyến Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh

Với quyết tâm cao độ, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng (khóa XVIII) đã ra Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 11/10/2018 về chủ trương triển khai thực hiện Dự án đầu tư đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng). Tỉnh đã tiến hành thành lập Ban Chỉ đạo Dự án gồm 36 đồng chí, do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo và thành lập các Tổ giúp việc, Tổ Thư ký của Ban Chỉ đạo Dự án. Ban Chỉ đạo Dự án đã thành lập 7 tổ để triển khai thực hiện các nhiệm vụ dự án đầu tư đường bộ cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, gồm: Tổ Vận động; Tổ Truyền thông; Tổ bố trí mặt bằng tái định cư, kiểm đếm, đền bù; Tổ làm việc với Trung ương; Tổ đối thoại và giải quyết khiếu nại tố cáo; Tổ chuẩn bị cưỡng chế; Tổ lo kinh phí đầu tư dự án thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng).

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và thể hiện cam kết, quyết tâm của tỉnh đối với việc triển khai thực hiện cao tốc, Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng đã ban hành Công văn số 130/HĐND ngày 03/7/2020 về việc cam kết bố trí vốn đối ứng ngân sách địa phương để đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng): Nhất trí bố trí đủ phần vốn ngân sách địa phương tham gia Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng), đảm bảo 20% vốn ngân sách địa phương tương ứng số tiền 2.500 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 để đảm bảo triển khai Dự án đúng tiến độ. Trong trường hợp cần thiết, thống nhất chủ trương bố trí thêm tối đa 10% tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án (giai đoạn 2020 – 2024) từ nguồn vốn Ngân sách nhà nước.

Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 26/2020/NQ-HĐND ngày 17/7/2020 về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 (lần 5) và kế hoạch đầu tư công năm 2020 tỉnh Cao Bằng: Nhất trí điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 (lần 5) và kế hoạch đầu tư công năm 2020 tỉnh Cao Bằng.

Không quản ngại những khó khăn, Tập thể Lãnh đạo Ban chỉ đạo dự án và Nhà đầu tư đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành chức năng, đến ngày 10/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1212/QĐ-TTg, chính thức phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), mở ra cơ hội lớn để Cao Bằng hiện thực hóa tuyến đường.

  1. Nội dung dự án
  2. a) Phạm vi dự án:

– Điểm đầu tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng kết nối vào đoạn nối cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam tỉnh Lạng Sơn.

– Điểm cuối tại nút giao đường vào khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh và Quốc lộ 34, thuộc khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh tỉnh Cao Bằng.

Tuyến cao tốc có chiều dài khoảng 115km, trong đó: trên địa phận tỉnh Lạng Sơn khoảng 52km, đi qua huyện Văn Lãng, huyện Tràng Định và trên địa phận tỉnh Cao Bằng khoảng 63km, đi qua huyện Thạch An, huyện Quảng Hoà (huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên cũ), huyện Trùng Khánh (huyện Trà Lĩnh cũ), huyện Hòa An và thành phố Cao Bằng. Tuyến nối đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh vào thành phố Cao Bằng có chiều dài khoảng 15,5 km đi qua các huyện Quảng Hoà (huyện Quảng Uyên cũ), huyện Hòa An và thành phố Cao Bằng.

  1. b) Quy mô dự án:

Dự án với quy mô 4 làn xe, được thiết kế với tốc độ 80 km/h, tổng mức đầu tư khoảng 20.939 tỷ đồng với cơ cấu nguồn vốn gồm vốn chủ sở hữu, vốn huy động của nhà đầu tư và phần vốn nhà nước (trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 20%, ngân sách địa phương 20% và 60% là vốn của nhà đầu tư và vốn tín dụng). Giai đoạn 1 đầu tư khoảng 93 km với chiều dài từ cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) đến xã Phúc Sen, huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng; Giai đoạn 2 (hoàn thiện) đầu tư tiếp khoảng 22km từ huyện Quảng Hoà đến cửa khẩu Trà Lĩnh và mở rộng hoàn thiện mặt cắt ngang đoạn còn lại.

Tiến độ triển khai dự án: Giai đoạn 1 thực hiện trong năm 2020 – 2024 và Giai đoạn 2 thực hiện sau năm 2025. Về phương án tài chính của dự án, Nhà đầu tư sử dụng vốn chủ sở hữu và vốn huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư dự án; được hoàn vốn bằng thu phí kín trên toàn tuyến cao tốc và thu phí trên tuyến nối vào thành phố Cao Bằng.

Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh sẽ nhập tuyến cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn  để kết nối Cao Bằng với các tỉnh, khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, đồng thời tạo ra kết nối quốc tế phục vụ phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh của Cao Bằng và cả nước trong tiến trình hội nhập quốc tế.

  1. Ý nghĩa, vai trò của dự án
  2. a) Về kinh tế – xã hội:

– Dự án hoàn thành sẽ tạo ra tuyến đường bộ cao tốc hiện đại, kết nối Cao Bằng với Lạng Sơn và các tỉnh miền núi phía Đông Bắc, các khu kinh tế, khu du lịch quốc gia, khu công nghiệp một cách nhanh chóng, thuận tiện, tạo động lực, mở ra cơ hội lớn cho Cao Bằng trong giao lưu, phát triển KT-XH, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Về đối ngoại, tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh sẽ kết nối với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lạng Sơn tạo ra tuyến cao tốc huyết mạch mới kết nối giao thương hàng hóa từ cảng Quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) đi Trùng Khánh – Urumqi (Trung Quốc) – Khorgos (Kazakhstan) sang các nước châu Âu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của 2 tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng; thay đổi tình trạng quốc lộ 4A là đường độc đạo nối giữa hai tỉnh. Sau khi tuyến cao tốc hoàn thành, thời gian di chuyển từ Cao Bằng xuống Hà Nội và ngược lại sẽ rút ngắn từ 6 – 7 giờ xuống chỉ còn khoảng 3,5 giờ tham gia giao thông và không còn nguy cơ mất an toàn giao thông khi tham gia giao thông trong đường quanh co nhiều khúc khuỷu.

– Dự án tạo ra tuyến cao tốc chạy dọc biên giới Việt – Trung, kết nối vào hệ thống cửa khẩu dọc tuyến, tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển các vùng kinh tế, sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế cửa khẩu 2 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

– Tạo tiền đề phát huy các lợi thế sẵn có của Cao Bằng, tăng thu ngân sách bền vững từ các dịch vụ du lịch, thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa, giải quyết vấn đề thu ngân sách hàng năm của tỉnh, giảm áp lực điều tiết các nguồn hỗ trợ từ Trung ương.

  1. b) Về chính trị:

Cao Bằng có đến trên 95% đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ cao nhất cả nước, đời sống nhân dân còn rất nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, giao lưu kinh tế, văn hóa với các tỉnh miền xuôi và cả nước còn rất hạn chế. Việc có một tuyến cao tốc đường bộ hiện đại kết nối thuận lợi với cả nước là tâm huyết, quyết tâm của nhiều hế hệ lãnh đạo tỉnh và cũng là khát khao, mong mỏi của các tầng lớp nhân dân Cao Bằng. Dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển các vùng kinh tế, sản xuất hàng hóa của tỉnh, giúp nhân dân xóa nghèo, phát triển kinh tế; đồng thời mở ra cơ hội giao lưu, hợp tác mọi mặt của nhân dân trong tỉnh với các vùng miền của cả nước, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện chất lượng đời sống nhân dân, mang lại sự phấn khởi, niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

  1. c) Về quốc phòngan ninh:

 Cao Bằng là tỉnh biên giới, phên dậu của cả nước, với đường biên giới dài nhất cả nước với chiều dài là 333 km, vì vậy, nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng – an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia luôn được đặt ra. Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh chạy dọc tuyến biên giới Việt – Trung, kết nối với hệ thống cửa khẩu dọc tuyến của 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn, giao cắt quốc lộ 4A đã có, không chỉ kết nối Việt nam với các tỉnh của Trung Quốc, mà còn kết nối khu vực ASEAN với Trung Quốc, từ đó đi các nước châu Á, châu Âu. Vì vậy, sau khi dự án hoàn thành, cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh cùng với Quốc lộ 3 và 4 đã có sẽ kết nối linh hoạt Cao Bằng với cả nước và quốc tế, góp phần bảo đảm quốc phòng – an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia của địa phương và đất nước.  

  1. Triển khai thực hiện dự án và trách nhiệm của người dân

Ngay sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, lãnh đạo tỉnh đã tích cực, khẩn trương, quyết liệt chỉ đạo việc triển khai các thủ tục đầu tư tiếp theo, để dự án được thi công đúng kế hoạch dự kiến. Một trong các nội dung công việc quan trọng, cần thiết trước tiên là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB); công tác GPMB là công việc đòi hỏi sự nỗ lực chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng, sự vận động của hệ thống chính trị và sự ủng hộ, đồng thuận, tham gia tích cực của nhân dân, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chịu ảnh hưởng của dự án. Vì vậy, người dân cần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm công dân trong việc ủng hộ chủ trương xây dựng đường cao tốc, chấp hành quy định về thu hồi đất, bồi thường GPMB liên quan dự án; việc chấp hành chủ trương và các quy định có liên quan thúc đẩy nhanh đường cao tốc, coi đây vừa là trách nhiệm, là vinh dự, tự hào được góp sức mình vào sự phát triển của quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng.

Thực hiện chủ trương của Trung ương, của tỉnh về xây dựng đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã có Thư kêu gọi các tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp và toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân Chung tay xây dựng Cao Bằng vào dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lời căn dặn của Bác khi Người về thăm Cao Bằng tháng 2/1961. Kết quả vận động ủng hộ bước đầu hỗ trợ xây dựng đường bộ cao tốc đến nay đã nhận được số tiền trị giá 7,2 tỷ đồng.

  1. Kế hoạch giải phóng mặt bằng 02 tiểu dự án kết nối cao tốc và các phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư

Dự án 1: Đường giao thông Đoỏng Lẹng, thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An, với chiều dài 1,5km, tổng mức đầu tư 34,31 tỷ đồng.

Dự án 2: Cải tạo, nâng cấp đường giao thông Thụy Hùng – Vân Trình, huyện Thạch An, với chiều dài 4,0km, tổng mức đầu tư 53,19 tỷ đồng.

Các dự án này đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư và được HĐND tỉnh phê duyệt danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 và Kế hoạch đầu tư năm 2020.

Tháng 10/2020 lựa chọn được nhà thầu thi công và triển khai các thủ tục GPMB theo quy định.

Về các phương án bồi thường GPMB, hỗ trợ và tái định cư (xem phụ lục kèm theo).

  1. Nhu cầu sử dụng đất và phương án giải phóng mặt bằng
  2. a) Nhu cầu sử dụng đất:

Diện tích chiếm dụng đất cả 02 giai đoạn là 788 ha (tỉnh Lạng Sơn 319 ha; tỉnh Cao Bằng 469 ha), diện tích chiếm dụng đất rừng phòng hộ đầu nguồn là 43ha.

  1. b) Phương án giải phóng mặt bằng:

– Xác định diện tích đất thu hồi theo yêu cầu của dự án (căn cứ theo lộ tuyến của dự án). Xác định số hộ chịu ảnh hưởng của dự án để lên kế hoạch tái định cư, có xét đến nhu cầu của những người bị ảnh hưởng của dự án cũng như kế hoạch chi tiết để xây dựng các khu tái định cư căn cứ theo số người mong muốn tái định cư trong khu định cư mới.

– Áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định hiện hành một cách hiệu quả trong khi thực hiện đền bù theo quy tắc tránh tối đa các thiệt hại cũng như tránh các tổn hại cho người di dời. Tổ chức tốt công tác tái định cư cho những hộ phải di dời đảm bảo an toàn, nhanh chóng và sớm tiến hành dự án trên diện tích đất được thu hồi.

– Thực hiện chính sách hỗ trợ ổn định cho những người bị ảnh hưởng bởi dự án sau khi đã di dời đến những khu tái định cư hoặc sống tại các địa điểm khác theo mong muốn.

  1. Kế hoạch triển khai thực hiện cao tốc

– Tháng 12/2020: Hoàn thành công tác đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn: (a) Khảo sát lập báo cáo nghiên cứu khả thi; (b) lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; (c) lập khung chính sách giá đất cho công tác GPMB.

– Năm 2021: Tập trung thực hiện các nội dung: Phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình; Sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư; Phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán; Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và Khởi công dự án.

– Năm 2024: Hoàn thành dự án giai đoạn 1.

– Năm 2025: Tiếp tục thực hiện dự án giai đoạn 2.

PHỤ LỤC

Phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư

  1. Phạm vi giải phóng mặt bằng
  • Căn cứ Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03/09/2013 và Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010, quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng Giao thông đường bộ.
  • Phạm vi GPMB đối với đường cao tốc, được xác định từ mép ngoài cùng của nền đường (chân mái taluy nền đường đắp hoặc mép đỉnh mái taluy nền đường đào) của Giai đoạn hoàn thiện, ra mỗi bên với khoảng cách như sau:
    • 03 m đối với trường hợp không có đường gom.
    • 01 m đối với trường hợp có đường gom.
  • Dự kiến nhu cầu sử dụng đất đối với cả hai giai đoạn tỉnh Cao Bằng 469 ha (được trải dài trên 65 km cao tốc và 15,5 km đoạn nối từ cao tốc vào TP Cao Bằng).
  1. Các khu vực ảnh hưởng

– Công tác GPMB liên quan đến 15 xã, phường của 05 huyện, thành phố của tỉnh Cao Bằng.

  1. Khung chính sách

3.1. Mục đích của kế hoạch bồi thường và hỗ trợ tái định cư:

  • Đảm bảo tính khoa học và trình tự các nội dung tiến hành, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
  • Kế hoạch bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải phù hợp với kế hoạch dự án, đây được coi như là hướng dẫn chung. Căn cứ vào kế hoạch này mới lập nên kế hoạch chi tiết cho từng hạng mục công việc.
  • Kế hoạch bồi thường, hỗ trợ, tái định cư góp phần quan trọng vào thành công của dự án, mang lại lợi ích cho quốc gia, cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh tiểu vùng Đông Bắc hiện tại và trong tương lai.
  • Kế hoạch bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không chỉ đề ra một điều kiện sống tốt hơn cho những người chịu ảnh hưởng của dự án mà còn tạo ra những bước tiến khả quan về chất lượng sống cho những người tái định cư trong khu định cư mới, thể hiện chính sách về con người của chính phủ đối với các kế hoạch bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên cả nước bao gồm cả dự án này.

3.2. Kế hoạch bồi thường và hỗ trợ tái định cư:

  • Xác định diện tích đất thu hồi theo yêu cầu của dự án (căn cứ theo lộ tuyến của dự án).
  • Xác định số hộ chịu ảnh hưởng của dự án để lên kế hoạch tái định cư, có xét đến nhu cầu của những người bị ảnh hưởng của dự án cũng như kế hoạch chi tiết để xây dựng các khu tái định cư căn cứ theo số người mong muốn tái định cư trong khu định cư mới.
  • Áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư một cách hiệu quả trong khi thực hiện đền bù dựa theo quy tắc tránh tối đa các thiệt hại cũng như tránh các tổn hại cho người di dời.
  • Tổ chức tốt công tác tái định cư cho những hộ phải di dời đảm bảo an toàn, gọn gàng, nhanh chóng và sớm tiến hành dự án trên diện tích đất được thu hồi.
  • Thực hiện chính sách hỗ trợ ổn định cho những người bị ảnh hưởng bởi dự án sau khi đã di dời đến những khu tái định cư hoặc sống tại các địa điểm khác theo mong muốn của họ.

3.3. Các quy định và chính sách về việc bồi thường và hỗ trợ tái định cư:

  • Khung pháp lý của Chính phủ về chế độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các đối tượng bị ảnh hưởng để thực hiện công tác GPMB và tái định cư áp dụng theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể như sau:
    • Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013.
    • Luật đất đai số 45/2013/QH13 ngày 10/12/2013.
    • Luật xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014.
    • Luật quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17/6/2009.
    • Luật quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 ngày 21/6/2017.
    • Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 1611/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
    • Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/05/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật Thủy lợi.
    • Nghị định số 113/2007/NĐ-CP ngày 28/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Đê điều.
    • Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
    • Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về việc qui định chi tiết thi hành một số điều khoản của luật đất đai số 45/2013/QH13.
    • Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về việc qui định giá đất.
    • Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về việc qui định thu tiền sử dụng đất.
    • Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về việc qui định thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
    • Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về việc qui định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.
    • Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/06/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường qui định chi tiết phương pháp định giá đất;
    • Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/06/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường qui định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
    • Thông tư số 74/2015/TT-BTC ngày 15/5/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.
    • Các chính sách cụ thể của địa phương: Hướng tuyến dự án đi qua nhiều tỉnh, thành phố. Việc áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư được áp dụng theo quy định chung các tỉnh đã được xây dựng theo các quy định của pháp luật hiện hành.

3.4. Chính sách bồi thường và hỗ trợ tái định cư:

  • Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường theo quy định như sau:
    • Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) hoặc có đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài khoản khác găn liền với đất theo quy định của Luật đất đai số 45/2013/QH13 ngày 10/12/2013 (sau đây gọi là luật đất đai) mà chưa được cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 điều 77 của luật đất đai; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất đai ở tại Việt Nam mà có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật đất đai mà chưa được cấp.
    • Cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đang sử dụng đất mà không phải đất do Nhà nước giao, cho thuê và có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật đất đai mà chưa được cấp.
    • Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghe cao, khu king tế, có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của luật đất đai mà chưa được cấp.
    • Tổ chức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; nhận thừa kế quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất đã nộp, tiền nhận chuyển nhượng đã trả không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước , có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật đất đai mà chưa được cấp.
    • Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê và có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật đất đai mà chưa được cấp.
    • Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư nước ngoài được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc bán kết hợp cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật đất đai mà chưa được cấp.
  • Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
  • Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định luật pháp.
  • Khi Nhà nước thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thi được bồi thường.
  • Khi Nhà nước thu hồi đất mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải ngừng sản xuất, kinh doanh mà có thiệt hại thì được bồi thường thiệt hại.
    • Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất ngoài việc được bồi thường theo quy định của Luật đất đai còn được nhà nước xem xét hỗ trợ;
    • Việc hỗ trợ phải đảm bảo khách quan, công bằng, kịp thời, công khai và đúng quy định của pháp luật.
  • Các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm:
    • Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất.
    • Hỗ trợ đào tạo, chuyển đồi nghề và tìm kiếm việc làm trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở.
    • Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở.
    • Hỗ trợ khác.
  • Để không ảnh hưởng đến việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư đã tiến hành cho toàn bộ dự án và các dự án khác trong khu vực, công tác thu hồi đất trong khu vực giáp danh giữa 2 tỉnh được 2 tỉnh (Cao Bằng và Lạng Sơn) thống nhất thực hiện theo chính sách quy định cu thể của từng tỉnh đã ban hành.

3.5. Chính sách đền bù giải phóng mặt bằng khu rừng:

  • Các loại rừng được chuyển mục đích sử dụng khác không phải là đất lâm nghiệp phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng và phải phù hợp với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và theo các quy định sau:
    • Thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng rừng cần thực hiện theo quy định tại Điều 40 của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 1611/2018 quy Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
    • Phạm vi dự án đầu tư trên diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng cần được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
    • Cần có báo cáo đánh giá tác động môi trường do việc chuyển mục đích sử dụng rừng.
    • Cần có phương án đền bù giải phóng mặt bằng khu rừng và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
    • Cơ quan cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải đảm bảo việc đầu tư trồng rừng mới, khi thay thế diện tích rừng sẽ chuyển sang mục đích sử dụng khác.

3.6. Chính sách bảo vệ đê điều, hệ thống kênh mương thủy lợi:

  • Hệ thống công trình thủy lợi đóng vai trò quan trọng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và phòng chống thiên tai.
  • Do đó trong quá trình thiết kế cần hạn chế tối đa việc tuyến đường vi phạm, lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, lòng hồ và đê điều.
  • Các hạng mục công trình qua hồ, đập thủy lợi, hệ thống kênh mương liên quan đến cấp nước, tiêu, thoát nước luôn được xem xét, tính toán thiết kế đủ khẩu độ, để tránh ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống công trình thủy lợi hiện có.
  • Trong giai đoạn tiếp theo (Giai đoạn thiết kế cơ sở và lập báo cáo Nghiên cứu khả thi) đơn vị Tư vấn sẽ có kết quả làm việc cụ thể với cơ quan Quản lý về thủy lợi tại địa phương để thống nhất giải pháp công trình khi cắt qua khu vực thủy lợi.
  • Trong đó ưu tiên các giải pháp cầu cạn, tránh việc đắp cao, hạn chế việc chặn dòng chảy tự nhiên, gây ngập úng nội đồng và ảnh hưởng đến các hộ dân trong khu vực.

3.7. Chính sách bảo vệ đất trồng lúa năng suất cao và rừng đặc dụng:

  • Giai đoạn tiếp theo cần thực hiện rà soát hạn chế tối đa việc triển tuyến đi qua khu vực dân cư và đất trồng lúa năng suất cao, cũng như các khu rừng phòng hộ, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP, Nghị định 156/2018/NĐ-CP và chỉ thị số 13/CT-TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư.

3.8. Chính sách bảo vệ tài nguyên khoáng sản:

  • Quá trình triển khai thực hiện dự án, nếu gặp khoáng sản (mỏ đồng, Niken, quặng Mangan…) cần thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định.
  • Đối với tài nguyên nước cần tuân thủ các quy định của pháp luật để hạn chế việc gây ảnh hưởng đến suy thoái ô nhiễm nguồn nước, gây cạn kiệt dòng chảy. Trong đó cần tuân thủ quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước theo Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015.
  • Khi tuyến cao tốc đi vào khu vực hành lang bảo vệ nguồn nước, Nhà đầu tư và đơn vị tư vấn cần có ý kiến thống nhất, cam kết bằng văn bản với Sở Tài nguyên và Môi trường; đưa ra các giải pháp thiết kế đảm bảo không gây ảnh hưởng đến chức năng, cảnh quan, môi trường sinh thái trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước.
  1. Xác định diện tích chiếm dụng đất:
  • Tiến hành đưa hướng tuyến cao tốc lên bản đồ MAPINFO về phân loại đất rừng, đất nông nghiệp và đất ở; để từ đó xác định diện tích chiếm dụng đối với từng loại đất đối với cả hai giai đoạn như sau:
    • Tuyến cao tốc gặp 43 ha đất rừng phòng hộ đầu nguồn. Diện tích đất rừng phòng hộ do tuyến cao tốc chiếm dụng khoảng 15% tổng diện tích đât rừng bị chiếm dụng.
    • Kết quả rà soát cũng cho thấy tuyến cao tốc không đi vào khu rừng đặc dụng (như vườn Quốc gia; khu dự trữ và bảo tồn thiên nhiên; bảo tồn di tích lịch sử & tín ngưỡng; khu rừng bảo vệ môi trường & thực nghiệm khoa học; vườn thực vật Quốc gia).
    • Kết quả thống kê diện tích chiếm dụng đất (đối với cả hai Giai đoạn) tại khu vực 02 tỉnh được thể hiện ở bảng dưới.
Đất chiếm dụng tại tỉnh Cao Bằng Diện tích (m2) Diện tích (ha)
1. Rừng phòng hộ đầu nguồn: 430.674 43,07
2. Đất rừng sản xuất (rừng trồng): 2.505.528 250,55
3. Đất nông nghiệp (đất trồng lúa nước): 1.466.448 146,64
4. Đất ở và các loại đất khác: 285.366 28,54
TỔNG CỘNG 4.688.016 (m2) 468,80 (ha)
5. Số lượng di dân và tái định cư:                              1.411 (người) ~ 282 hộ dân

Kết quả thống kê diện tích chiếm dụng đất (đối với riêng Giai đoạn 1).

Đất chiếm dụng tại tỉnh Cao Bằng (Giai đoạn 1) Diện tích (m2) Diện tích (ha)
1. Rừng phòng hộ đầu nguồn 390.449 39,04
2. Đất rừng sản xuất (rừng trồng) 1.815.499 181,55
3. Đất nông nghiệp (đất trồng lúa nước) 1.003.420 100,34
4. Đất ở và các loại đất khác 186.609 18,66
TỔNG CỘNG 3.395.977 (m2) 339,60 (ha)
5. Số lượng di dân và tái định cư                                 918 (người) ~ 183 hộ dân

Trước mắt nếu tiến hành GPMB cho Giai đoạn 1: Cần giải phóng 340 ha. Số lượng di dân tái định cư dự kiến 918 người (khoảng 183 hộ dân). Diện tích đất rừng phòng hộ đầu nguồn do tuyến cao tốc chiếm dụng trong Giai đoạn 1 là 39 ha (tập trung phần lớn trên địa bàn huyện Thạch An, Quảng Hòa thuộc tỉnh Cao Bằng).

Về tổ chức thực hiện công tác GPMB: Đối với công tác GPMB: UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức GPMB thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP và Điều 49 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP.

Ban Tuyên Giáo Tỉnh uỷ Cao Bằng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Điền tên của bạn